Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng hòa Séc: Chính trường chưa hết thấp thỏm

Quỳnh Chi| 12/01/2014 05:51

(HNM) - Khi cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại CH Séc được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, nhiều người đã hy vọng cuộc khủng hoảng kéo dài trên chính trường nước này sẽ kết thúc, mở ra một thời kỳ ổn định mới.

Tuy nhiên, 78 ngày đã trôi qua, tân chính phủ vẫn chưa thể ra mắt. Bất đồng trong bổ nhiệm các thành viên nội các đã biến thành cuộc tranh giành quyền lực đang khiến quốc gia ở trung tâm Châu Âu này rơi vào tình trạng không có Thủ tướng được chỉ định sau bầu cử lâu nhất trong lịch sử đất nước.

Cộng hòa Séc nằm dưới sự điều hành của Chính phủ lâm thời suốt nửa năm qua.


Để chấm dứt tình trạng này, tuần qua, đảng Dân chủ Xã hội, đảng về nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Séc đã ký thỏa thuận thành lập liên minh trung tả cầm quyền với Phong trào trung dung mới (ANO) và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. 3 đảng đã tạm dẹp bỏ bất đồng để đưa ra những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế hướng tới cải thiện đời sống của người dân. Trong đó, đáng chú ý là cam kết giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), tạo thêm nhiều việc làm mới để thúc đẩy tăng trưởng. Liên minh cầm quyền hứa hẹn sẽ tăng lương hưu và cân nhắc xóa bỏ một số khoản phí trong lĩnh vực y tế, giữ nguyên mức thuế với các công ty và cá nhân có thu nhập cao. Nhưng mọi thay đổi "cơm áo gạo tiền" này sẽ chỉ được xem xét một cách có hệ thống và thực hiện vào năm 2015. Cũng theo thỏa thuận, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Bohuslav Sobotka sẽ giữ chức Thủ tướng, đưa đảng này trở lại nắm quyền tại CH Séc sau gần 8 năm quốc gia này nằm dưới sự lãnh đạo của phe trung hữu. Tuy nhiên, khó khăn với liên minh cầm quyền hiện nay là phải thuyết phục Tổng thống Milos Zeman, cũng từng là thành viên đảng Dân chủ Xã hội, chấp nhận nội các mới.

Trong phát biểu về tình hình chính trị đất nước ngày 10-1, Tổng thống M.Zeman cho biết sẽ chỉ định lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội B.Sobotka làm Thủ tướng vào ngày 17-1, nhưng người đứng đầu quốc gia "trái tim Châu Âu" có thể sẽ không chấp nhận một số ứng cử viên do ông B.Sobotka đề xuất vào các vị trí bộ trưởng của nội các mới. Trong đó, đáng chú ý là Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec - người từng bị nghi vấn liên quan tới bằng cấp. Tuy nhiên, ông M.Chovanec mới đây cho biết, bằng cấp của ông đã được kiểm tra và xác thực. Ứng cử viên Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định sẽ không sử dụng học vị bị cho là "có vấn đề" trong quá trình tham gia chính trị. Băn khoăn tiếp theo của Tổng thống M.Zeman nhằm vào Bộ trưởng Công nghiệp Jan Mladek vì một số điểm chưa rõ ràng trong lý lịch. Trong khi đó, ông B.Sobotka cho biết sẽ không thay đổi danh sách nội các dự kiến sẽ đệ trình. Vì thế, người dân CH Séc có lý do để lo ngại nếu cả Tổng thống M.Zeman và ông B.Sobotka đều dứt khoát bảo vệ quan điểm riêng thì tranh cãi có thể sẽ làm chậm tiến trình bổ nhiệm, khiến nội các mới không thể ra mắt theo kế hoạch vào cuối tháng 1 này.

Sau những vụ bê bối khiến Thủ tướng Petr Necas phải từ chức hồi tháng 6 năm ngoái, với cương lĩnh tranh cử đầy thuyết phục của đảng Dân chủ Xã hội, trong đó, ưu tiên các mục tiêu tăng trưởng, giữ cho thị trường ổn định theo lộ trình gia nhập khối các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu vào năm 2020, nhiều cử tri CH Séc hy vọng cuộc bầu cử sẽ đưa đất nước bước vào thời kỳ mới với nhiều triển vọng. Thế nhưng, suốt nửa năm qua, đất nước này vẫn nằm dưới sự điều hành của một chính phủ lâm thời. Điều này ảnh hướng không nhỏ tới đà phục hồi kinh tế sau một thời gian dài suy thoái. Điều mà nhiều cử tri Séc mong đợi lúc này là nền kinh tế đất nước phải phục hồi bền vững hơn, và để đạt được điều đó, xứ Pha lê phải có một chính phủ ổn định và làm việc hiệu quả với những chính sách đã đề ra. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên chính trường, người dân CH Séc hẳn còn phải thấp thỏm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng hòa Séc: Chính trường chưa hết thấp thỏm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.