Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cống hiến trọn đời cho chuyên ngành thần kinh học

Quỳnh Phạm| 02/10/2019 07:34

(HNM) - Trong lịch sử ngành Y tế Việt Nam, năm 2000 là một dấu mốc rất có ý nghĩa khi Tổ chức Y tế thế giới chính thức công nhận Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của các bác sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực thần kinh học, trong đó có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hinh, hiện là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hinh.

Với những cống hiến không ngừng cho ngành Y học nói chung và chuyên ngành Thần kinh học nói riêng, trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) tới đây, ông là một trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

Chiến đấu với bệnh viêm não Nhật Bản

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hinh (sinh năm 1935, tại Hà Nội) là người đã dành nhiều năm dày công nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản. Luận án Tiến sĩ của ông về chủ đề này (1989) đã đóng góp rất nhiều vào việc thanh toán bệnh dịch này tại Việt Nam. Hiện nay, khi đã ở tuổi 84, ông vẫn là đại diện duy nhất của Hội Thần kinh học Việt Nam tại Liên đoàn Thần kinh học thế giới. Ông còn đảm nhận vai trò giảng dạy tại các trường đại học y, giám định viên của Hội đồng Giám định y khoa trung ương, thành viên hội thần kinh học một số nước và tổ chức uy tín trên thế giới... Năm 2019 Giáo sư được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Rất mực nghiêm cẩn mà vẫn toát lên vẻ hồn hậu và nhiệt huyết, đó là điều nhiều người cảm nhận được về Giáo sư Lê Đức Hinh. Khi được hỏi về cơ duyên đến với chuyên ngành thần kinh học, Giáo sư cho biết, từ khi còn là học sinh phổ thông, ông đã yêu thích những vấn đề liên quan tới thần kinh và tâm trí, bởi đó là lĩnh vực chi phối trí tuệ cũng như cảm xúc của con người. Ông hầu như không nói về mình mà nhắc nhiều hơn đến người thầy mà ông hết mực kính trọng, cả về chuyên môn và nhân cách - bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh, người thành lập ngành Thần kinh học Việt Nam vào năm 1956.

Ngày đó, bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã tiếp nhận sinh viên Lê Đức Hinh trở thành người đồng nghiệp của mình, rồi giữ lại công tác tại Khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1962. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư Lê Đức Hinh đã đảm nhiệm các vị trí Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa và bác sĩ cao cấp cho đến khi nghỉ hưu năm 2005. Thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng chính là thời điểm căn bệnh viêm não Nhật Bản hoành hành và cướp đi nhiều sinh mệnh các em nhỏ tại miền Bắc Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh đã thành lập một đơn vị chuyên phục vụ những bệnh nhân này và ông đã chỉ định học trò Lê Đức Hinh cùng thực hiện nhiệm vụ đó. Nhớ lại, Giáo sư Lê Đức Hinh vẫn đau lòng nhắc tới cứ vào mùa hè hằng năm, cao điểm mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng chục trẻ từ 9 đến 10 tuổi mắc chứng viêm não và đều đã trở nặng. Số ca tử vong ở Bệnh viện Bạch Mai lên tới 3, 4 trẻ một ngày. Trong số trẻ được chữa khỏi có khoảng 30-50% bị biến chứng tàn tật, kém thông minh.

Chính trong quãng thời gian đó, bác sĩ trẻ Lê Đức Hinh đã tích lũy kiến thức và nung nấu quyết tâm nghiên cứu để giành giật lại từ tay tử thần cuộc sống của các bệnh nhân nhỏ tuổi. Năm 1989, ông được công nhận Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Thần kinh học sau khi bảo vệ thành công luận án "Vài đặc điểm của viêm não Nhật Bản B ở trẻ em miền Bắc Việt Nam”. Luận án của ông đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động thanh toán bệnh dịch này tại Việt Nam.

Tâm huyết với nghề, Giáo sư Lê Đức Hinh còn là người thầy uyên bác và tận tụy với 46 năm giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại Trường Đại học Y Hà Nội và các trường đại học trên khắp cả nước. Giáo sư cũng là chủ biên nhiều cuốn sách y học, như “Sổ tay Hội chứng thần kinh, Bệnh thần kinh”, “Bệnh Parkinson”, “Thần kinh học lâm sàng”…, và nhiều ấn phẩm khác được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Ông được Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1991 và chức danh Giáo sư Thần kinh học năm 2002.

Học tập và cống hiến suốt đời

Giữa cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, thỉnh thoảng ông lại nhận được những cuộc gọi từ bệnh viện, từ bệnh nhân và đều trả lời chu đáo, tận tình. Ông chia sẻ, chính việc không ngừng học tập, nghiên cứu trong suốt cuộc đời làm nghề đã giúp ông giữ được trí tuệ minh mẫn. Hiện ông vẫn dành thời gian để thăm khám cho những bệnh nhân có nhu cầu tại các bệnh viện. Giáo sư Lê Đức Hinh nhiều lần nhắc tới câu nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi” như một tinh thần, một thái độ sống chứ không chỉ là một khẩu hiệu. Ông vẫn học tập và cập nhật kiến thức hằng ngày, qua sách báo, qua việc thăm khám bệnh nhân...

Đặc biệt, hiện ông và các đồng nghiệp vẫn đang nghiên cứu để tìm cách chữa trị căn bệnh rối loạn chuyển hóa đồng ở trẻ em, hay còn gọi là bệnh Wilson. Đây là căn bệnh vẫn khiến ông đau đáu bao năm qua, bởi nó không dễ phát hiện, dẫn tới các bệnh nghiêm trọng về gan và thần kinh. Ông cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu và có quy trình chữa bệnh từ chẩn đoán, điều trị, theo dõi… giúp nhiều người bệnh có được cuộc sống bình thường. Khi điều kiện sức khỏe còn cho phép, ông vẫn tham gia các hội nghị khoa học thần kinh học quốc tế, bởi: "Tôi muốn tiếp tục được học hỏi từ bạn bè quốc tế, đồng thời muốn Việt Nam khẳng định vị trí của mình trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực thần kinh học, để bạn bè thế giới biết tới ngành Thần kinh học Việt Nam".

Không chỉ là một đại diện xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn, ông còn thể hiện nét tài hoa, tâm hồn nghệ sĩ qua các tiết mục nghệ thuật. Những bản nhạc độc tấu được ông trình diễn thành thục với cây ghi ta Hạ uy di (ghi ta gỗ Hawai) mà ông thường mang theo mình, đã chinh phục trái tim bạn bè quốc tế trong các cuộc giao lưu, hội thảo khắp thế giới.

Nhân dịp được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019, Giáo sư nhắc lại một kỷ niệm đẹp mà ông luôn trân trọng, gìn giữ. Đó là vào ngày 22-9-1945, năm 10 tuổi, ông được vinh dự đại diện cho thiếu nhi Thủ đô, đọc lời chúc từ Bác Hồ vào dịp Trung thu đầu tiên sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cũng chính ông, một lần nữa, được đọc lời chúc trong buổi lễ tiễn Bác Hồ đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp năm 1946. Giáo sư Lê Đức Hinh luôn nhắc mình: “Dù đi đâu, làm gì, tôi vẫn ý thức mình là một người con của nước Việt Nam, một nhà khoa học, mà trước hết là một nhà khoa học khoác áo trắng. Miễn là còn sức khỏe và trí tuệ, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc và học tập, nghiên cứu, phục vụ người bệnh… Đó là tinh thần mà tôi đã học tập từ Bác Hồ của chúng ta, người thầy của những người thầy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cống hiến trọn đời cho chuyên ngành thần kinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.