Giao tiếp bằng tiếng Việt, sum vầy ngày lễ, tết truyền thống chính là con đường ngắn nhất để gìn giữ văn hóa Việt.
Bữa cơm tại nhà bà Phương và ông Điệp hôm nay náo nhiệt hơn thường lệ vì có khách từ Việt Nam tới thăm. Chính bà Phương và các chị em ở CLB phụ nữ người Việt ở Bucharest tự tay vào bếp nấu những món ăn Việt Nam đãi khách. Thực đơn có canh mùng tơi nấu tôm, cà pháo muối, chả giò… những thứ mà tưởng như chỉ ở Việt Nam mới có.
Những câu chuyện thời sự chính trị - kinh tế từ quê nhà là chủ đề của những người đàn ông trong gia đình và dường như trong căn nhà ấy không ai nghĩ lại cách xa Việt Nam đến nửa vòng Trái đất, bởi mọi chuyện ở quê nhà họ đều nắm bắt và thông thạo.
Bữa cơm gia đình tại nhà ông Điệp-bà Phương. |
Những người phụ nữ thì nói chuyện chợ búa, cơm nước, bếp núc. Họ chia sẻ với nhau mọi chuyện, từ cách trồng rau ở mảnh sân nhỏ, địa chỉ mua hàng phù hợp với “khẩu vị” của những đức ông chồng, rồi đến chuyện dạy con, cho con đi học và hơn nữa, những ngày cuối năm cận kề, họ bàn tán rôm rả câu chuyện về “mâm cơm” ngày Tết. Mỗi người nhận một việc, nhà thì nhận gói bánh chưng, nhà lại nhận làm nem, làm giò… rồi từ đó san sẻ cho nhau, để bữa cơm nhà ai cũng đầy đủ hương vị Tết.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Romania chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho chị em tham gia các hoạt động để chị em được gần gũi, quây quần bên nhau, để họ cảm thấy được sống tình cảm ấm áp như ở quê hương. Chị em cùng chung tay với Hội người Việt tổ chức nhiều hoạt động, tham gia quảng bá hình ảnh quê hương thông qua ẩm thực, văn hóa văn nghệ.”
Ba thế hệ sinh ra và lớn lên ở Bucharest gần 30 năm như ông Điệp-bà Phương không phải hiếm. Họ vẫn giữ được nếp sống của người Việt nơi quê nhà là cùng con cháu quây quần bên mâm cơm vào mỗi tối, vẫn giữ nếp nhà xưa, phong tục cúng giỗ tổ tiên và tụ họp ngày lễ, Tết.
“Tôi gần như là thế hệ thứ nhất sang Romania sinh sống làm ăn, sau đó đưa con em, các cháu từ Việt Nam sang thành các cụm gia đình”, ông Nguyễn Duy Điệp tâm sự. “Chính vì thế, cộng đồng ở đây luôn coi nhau như hàng xóm láng giềng thân thiết, tắt lửa tối đèn có nhau. Nếu gia đình nào có việc thì mọi người đều tới chia sẻ vui buồn, rất tình cảm. Đây chính nét đặc biệt của người Việt tại Romania”.
Năm nay gần 70 tuổi, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Romania, có cuộc gặp gỡ đầy lãng mạn với bà Phương là vợ ông bây giờ, sinh con rồi có cháu nội. 30 năm lang bạt xứ người, những nốt thăng trầm trong cuộc mưu sinh ông đều nếm trải. Nhưng với ông Điệp hay như với mọi thành viên trong gia đình, quê hương bao giờ cũng là “chùm khế ngọt” với ước mơ đau đáu hướng về. Chính vì thế, giữ gìn văn hóa Việt Nam cho con cháu chính là giữ lại gốc rễ, nguồn cội của mỗi gia đình.
Cháu nội của ông Điệp, bà Phương mới 4 tuổi nhưng nói và hát tiếng Việt rất sõi. Trong căn nhà dẫu 3 thế hệ cùng chung sống ở Bucharest, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chủ đạo. Những đứa trẻ thế hệ thứ 3 được sinh ra ở đây đều được theo học khóa học tiếng Việt vào dịp nghỉ hè, điều này khiến các em vô cùng thích thú.
Không chỉ đến học tiếng Việt, các em còn được cô chú trong Hội người Việt còn tổ chức các tiết mục văn nghệ do cô Phạm Hồng Duyên đạo diễn, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới. “Tụi con thích được tập văn nghệ, tập múa lân và được mặc trang phục truyền thống đón Tết. Năm nào các mẹ, các cô cũng tổ chức Tết cộng đồng vui lắm ạ!” – bé Yến Vy kể.
Chị Phạm Hồng Duyên luyện tập tiết mục văn nghệ cho các em để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất. |
So với nhiều nước khác, cộng đồng Việt Nam ở Romania chỉ khoảng 500 người và tất cả đều là người lao động sinh sống hợp pháp, được Chính phủ nước sở tại công nhận. Cũng chính vì cộng đồng nhỏ, nên ai cũng muốn gắn kết với nhau. Họ tìm thấy hình ảnh quê nhà, tình làng nghĩa xóm, tình anh em bè bạn qua các hoạt động của cộng đồng mà trong văn hóa phương Tây khó có thể tìm thấy.
“Chúng tôi rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, bà con ở đây có sự gắn bó rất mật thiết với Đại sứ quán Việt Nam, coi đó là ngôi nhà chung. Chúng tôi cùng với Đại sứ quán tổ chức tất cả các sự kiện lớn của đất nước với sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của bà con” - anh Điện Văn Hùng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Romania cho biết.
Kết nối bà con kiều bào với đất nước thông qua cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, mỗi cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đều nêu cao vai trò của mình, gắn kết cộng đồng kiều bào bằng những hoạt động chung của Đại sứ quán.
Đại sứ Việt Nam tại Romania Trần Thành Công chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tâm huyết của một người làm cơ quan đại diện không chỉ riêng tôi mà với tất cả các cơ quan đại diện khác đều đặt vai trò quan trọng của công tác cộng đồng”.
Chính vì thế, tại Romania, cộng đồng là một bộ phận không thể tách rời của Đại sứ quán, từ hoạt động quần chúng cho đến các hoạt động đối ngoại đều có sự chung tay chia sẻ của cộng đồng người Việt.
“Đại sứ quán cũng luôn mở rộng cửa để dành chỗ cho bà con sinh hoạt, vào các ngày lễ, tết, hội họp. Cộng đồng ở đây tuy không đông nhưng lại đoàn kết và biết chia sẻ tất cả các hoạt động với cơ quan đại diện trong mọi hoạt động” – ông Công nói.
Điều đáng mừng là các thế hệ người Việt sau này tại Romania đều trưởng thành hơn, có học vị, học thức nhưng các em, các cháu đều hướng về cội nguồn, yêu quý và cùng gìn giữ văn hóa Việt với ông bà, cha mẹ.
Người con trai cả của ông Nguyễn Văn Tới là thế hệ thứ 2 sinh ra tại Bucharest. Dù học ở Anh, nói sành sỏi nhiều ngoại ngữ, phong cách “rất Tây” nhưng cậu lại mê những thứ thuộc về giá trị Việt. Điều mà vợ chồng ông Tới quan tâm chính là luôn để con ghi nhớ mình mang dòng máu Việt. Gia đình ông đặt ra một quy tắc là luôn nói tiếng Việt trong nhà.
“Ngoài việc đầu tư cho con cái một cách tốt nhất thì tôi vẫn muốn con giữ được văn hóa của người Việt. Giữ bằng cách gì? Chỉ có thể cố gắng giao tiếp với con cái bằng tiếng Việt, giữ những nét truyền thống của ông bà tổ tiên ngay trong chính gia đình. Cố gắng ý thức duy trì cộng đồng. Mình ở đây sống theo xã hội của họ nhưng vẫn phải có gốc của mình. Đã là người Việt phải giữ truyền thống, văn hóa, tâm linh để mình gắn kết lại với nhau”- ông Nguyễn Văn Tới nói.
Ông Tới nghĩ đơn giản rằng ngày giỗ, ngày Tết, mọi thành viên trong gia đình sẽ tập trung quây quần, trò chuyện, để ông bà, bố mẹ và con cháu cùng thưởng thức “ẩm thực Việt”. Nói và hát tiếng Việt cùng nhau trong không gian gia đình ấm cúng chính là con đường đến với văn hóa Việt ngắn và dễ dàng nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.