Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cuộc cải tổ và tham vọng của Vinaphone

Việt Nga| 07/08/2015 07:17

(HNM) - Cách đây gần 3 tháng, Tổng Giám đốc Vinaphone, khi vừa nhận nhiệm vụ đã khẳng định tham vọng:


Điều đó được hiểu là Vinaphone từng là nhà mạng số 1 trên thị trường và DN này phải trở lại với vị trí đó. Vậy, đâu là "cửa" cho Vinaphone biến mong muốn thành hiện thực…?

Thị trường viễn thông từ nhiều năm nay đã ở thế "kiềng ba chân" gồm Viettel, MobiFone và Vinaphone. Trong số đó, Viettel hiện rất mạnh vì đang nắm tới hơn 50% thị phần, có doanh thu, lợi nhuận được xếp vào hàng "khủng". Thêm nữa, ngoài kinh doanh rất chuyên nghiệp, từ tiếp thị, quảng cáo truyền thông đến bán hàng tốt nhất hiện nay, đây còn là DN quân đội có tính kỷ luật, khả năng đánh giá, phân loại hiệu quả công việc cao… Tất nhiên, về lý thuyết thì mọi chuyện đều có thể xảy ra nhưng dễ thấy "vượt mặt" Viettel thật không dễ.

Vậy, Vinaphone có lợi thế gì? Lợi thế đầu tiên phải kể đến là sau nhiều năm "tuột dốc", phải tái cơ cấu, cán bộ, nhân viên VNPT nói chung, Vinaphone nói riêng có ý chí khát vọng được thể hiện, cống hiến vì bản thân và "màu cờ sắc áo". Lợi thế thứ hai, Vinaphone thuộc Tập đoàn VNPT và với VNPT tỉnh, thành phố, DN này thuận lợi về hệ thống mạng lưới kinh doanh, bán hàng rộng khắp. Điều này được đánh giá tương đương Viettel - đã xây dựng được mạng lưới bán hàng hiệu quả và thành công. Hệ thống bán hàng trực thuộc của VNPT các tỉnh, thành phố (nay là trung tâm kinh doanh trực thuộc) lại là ưu điểm vượt trội của Vinaphone so với đối thủ MobiFone, vì sau khi tách khỏi VNPT, MobiFone phải xây dựng lại…

Thêm nữa, sau tái cơ cấu, VNPT đã điều chuyển gần 18.000 nhân viên tăng cường cho đội ngũ bán hàng và cùng với các chính sách khoán việc, khoán lương. Điều đó sẽ khuyến khích các đơn vị kinh doanh và đội ngũ bán hàng phát triển năng lực, "sáng tạo" nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong đó có dịch vụ di động Vinaphone. VNPT và các đơn vị đang bước vào giai đoạn 3 của quá trình tái cơ cấu và cách làm việc của VNPT đã thay đổi, nếu như trước đây họ chỉ làm việc trong giờ hành chính, thì nay đã làm ngoài giờ, cả ngày nghỉ; thay vì khách hàng tự tìm đến đăng ký dịch vụ mới, thì nay đã có người đến "gõ cửa" từng khách hàng để bán sản phẩm…

Số liệu 6 tháng đầu năm của Tập đoàn VNPT và VNPT nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, doanh thu, lợi nhuận cũng như lượng thuê bao cáp quang, di động Vinaphone đều tăng trưởng ấn tượng. VNPT Hà Nội là đơn vị dẫn đầu tập đoàn về tăng trưởng thuê bao Vinaphone với việc phát triển mới hơn 230.000 thuê bao (có hơn 30.000 là thuê bao trả sau) và đáng chú ý là việc phát triển thuê bao mới là các thuê bao thực, có phát sinh cước.

Một lợi thế nữa không thể không kể đến đó là ngày 15-6-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư trong đó đưa Vinaphone, MobiFone ra khỏi nhóm DN thống lĩnh thị trường. Điều đó có nghĩa, nếu như Viettel bị cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt về giá cước, khuyến mãi thì Vinaphone được tự ban hành giá cước, khuyến mãi mà không cần xin phép (chỉ cần thông báo). Đó là yếu tố quan trọng để cạnh tranh và chăm sóc khách hàng của Vinaphone.

Tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại có thể dễ dàng nhận thấy ở Vinaphone. Như đã nói ở trên, VNPT thực hiện tái cơ cấu và điều chuyển 18.000 nhân viên sang trực tiếp bán hàng và phải khẳng định rằng đó là nỗ lực được coi là vượt bậc của VNPT các tỉnh, thành phố. Đội ngũ bán hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt và thể hiện trong kết quả kinh doanh. VNPT đã tái cấu trúc thành công rõ nét ở các đơn vị cấp dưới khi công việc mang lại kết quả cao.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò định hướng, chỉ đạo điều hành của đội ngũ lãnh đạo, phòng ban chức năng của Vinaphone nhưng những gì họ thể hiện cho thấy còn những tồn tại và nếu không quyết liệt thay đổi sẽ là lực cản tồn tại chứ chưa nói đến phát triển, lớn mạnh.
"Cửa" cho Vinaphone giành lại vị trí số 1 là phải quyết liệt thay đổi, cải tổ bằng việc tinh gọn bộ máy, phân công đúng người, đúng việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cuộc cải tổ và tham vọng của Vinaphone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.