Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố thực trạng đáng báo động về tài nguyên nước Việt Nam

Tuyết Minh| 30/05/2019 18:47

(HNMO) - Chiều 30-5, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới “Việt Nam - hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”.

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.


Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, báo cáo của WB đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ về hiện trạng tài nguyên nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nêu những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quản lý tài nguyên nước, cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Báo cáo của WB đã chỉ ra thực trạng tài nguyên nước Việt Nam: Nhiều lưu vực sông đã ở mức cạn kiệt; chất lượng nước suy giảm đáng kể. Nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 70-80% tổng lượng nước sử dụng của Việt Nam, nhưng được sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí.

Theo dự báo, trong mùa khô, tổng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng về nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ… tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại hội thảo.


Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, việc nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước và nhiều luật điều chỉnh công tác quản lý tài nguyên nước đã gây khó khăn trong thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước ngầm, cả số lượng nước và chất lượng nước; khung pháp lý đã có nhưng thực thi chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi…

Bên cạnh thực trạng đáng báo động, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị và các nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần thực hiện để giải quyết các thách thức hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.

Tại hội thảo, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ, WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ việc thực hiện những khuyến nghị trong báo cáo một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, báo cáo nghiên cứu độc lập của WB là những kết quả rất quý báu đối với công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố thực trạng đáng báo động về tài nguyên nước Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.