Các nước phát triển trên thế giới đều xem khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt, quốc sách hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc học hỏi và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đứng trước ngưỡng cửa lớn
Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện tại, mô hình phát triển của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, công nghiệp lắp ráp và đầu tư nước ngoài. Những yếu tố này không tạo ra giá trị gia tăng thực chất, cũng không bền vững, dẫn đến lệ thuộc công nghệ và chuỗi giá trị thấp. Mô hình tăng trưởng này có nguy cơ lỗi thời, tụt hậu nếu không kịp thời chuyển đổi sang mô hình phát triển mới dựa vào trí tuệ, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong khoảng 30 năm trở lại đây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đã trở nên hùng mạnh về công nghiệp chiến lược (công nghiệp đi với các công nghệ chiến lược) mà không sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Sự bứt phá của các quốc gia này đến từ đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ, giáo dục chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả và thương mại hóa tri thức.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam chia sẻ, các quốc gia thành công đều ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư vào các công nghệ mang tính nền tảng, có khả năng tạo ra đột phá và bảo đảm an ninh cũng như chủ quyền công nghệ quốc gia, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, internet vạn vật (IoT), công nghệ truyền thông thế hệ mới (5G/6G), năng lượng tái tạo, công nghệ xanh... Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học và y tế với sự hồi sinh của ngành Healthtech; công nghệ lượng tử cũng được Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đẩy mạnh nghiên cứu...
“Trong 40 năm qua, không có quốc gia nào trở nên giàu có mà theo con đường truyền thống, trong đó chủ yếu là dựa vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp cơ bản, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy, hải sản hay xuất khẩu quặng thô hoặc sản phẩm quặng sơ chế. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, đã có khoảng 20 quốc gia trở nên giàu có vì họ nỗ lực tạo ra các sản phẩm sáng tạo, quy trình và dịch vụ có giá trị năng suất nhân tố tổng hợp cao và sự đổi mới sáng tạo nói chung trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa lớn: Hoặc tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, hoặc tụt hậu dài hạn nếu tiếp tục đi theo mô hình phát triển cũ”, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nói.
Chìa khóa thực hiện thắng lợi các mục tiêu
Với dân số xấp xỉ 100 triệu người như hiện nay, Việt Nam muốn được xem là quốc gia phát triển phải có GDP khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, tức là gấp 5 lần giá trị hiện tại. Trên thực tế, giá trị này cao đến mức không thể đạt được trong vòng 20 hoặc 30 năm nữa từ việc phát triển nông nghiệp, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, khai thác khoáng sản...
Các nhà nghiên cứu cho rằng, để chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư - tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và đổi mới cần đổi mới tư duy phát triển, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực trung tâm. Đây không chỉ là một lựa chọn mà là con đường bắt buộc để Việt Nam bứt phá, thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển.
Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, những gì các nước, như: Hàn Quốc, Israel, Singapore đã làm không phải là lý thuyết xa vời mà là mô hình thực tiễn hoàn toàn có thể áp dụng và điều chỉnh cho Việt Nam. “Nếu không chấp nhận cái mới, không chấp nhận thất bại trong quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ không thể phát triển công nghệ cao”, PGS.TS Vũ Văn Tích chỉ rõ.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, những quy định tại Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã gần hơn với thông lệ quốc tế. Các cơ chế như khoán chi, đặt hàng nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro… đều là nền tảng cho một môi trường khoa học, công nghệ năng động, giúp các quốc gia thành công trong việc phát triển khoa học, công nghệ.
“Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành công, kết hợp với việc phát huy nội lực và nắm bắt các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Quân nêu quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.