Khoa học - Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy:Số hóa thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và môi trường

Quỳnh Dung thực hiện 25/05/2025 - 06:27

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành vào thời điểm chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với những thách thức cấp bách, như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, suy giảm tài nguyên, áp lực lớn từ yêu cầu tăng trưởng xanh, giảm phát thải... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Chủ động triển khai sáng kiến ứng dụng công nghệ

- Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ trong bối cảnh hiện nay?

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Khương Trung

- Nghị quyết số 57-NQ/TƯ xác định rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển nhanh, bền vững, trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực tế hiện nay cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống vốn phụ thuộc vào lao động thủ công, tiêu thụ lượng lớn vật tư đầu vào không còn phù hợp. Thay vào đó, các xu hướng tiên tiến như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở nên vô cùng cấp thiết. Do đó, muốn thay đổi cục diện, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện tại và tương lai, chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận, đặt khoa học, công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng cho sự phát triển.

- Ngành Nông nghiệp và Môi trường triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất có hiệu quả, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh... đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu về đất đai, rừng và khí tượng. Kết quả đạt được bao trùm lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám…

Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Đồng thời, tạo sự đột phá trong thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, số hóa, góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó đưa nông sản Việt Nam vươn tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

- Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học vào thực tiễn phát triển nông nghiệp và môi trường được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Hằng năm, căn cứ quy hoạch, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển của bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ, Bộ phê duyệt đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ để triển khai. Từ năm 2021 đến năm 2025, có 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ được triển khai. Trong đó có 735 nhiệm vụ đã hoàn thành, 466 nhiệm vụ đang triển khai.

Cụ thể, sản phẩm khoa học, công nghệ làm cơ sở xây dựng các dự án luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật; định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia; làm luận cứ phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Nghiên cứu khoa học, công nghệ giúp tạo giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích... Nhờ đó, giai đoạn 2021-2025, cơ quan chức năng đã công nhận 461 giống cây trồng, vật nuôi; 216 tiến bộ kỹ thuật; 34 bằng độc quyền sáng chế, 19 giải pháp hữu ích…

Tháo gỡ “điểm nghẽn” toàn ngành

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

- Để đột phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, ngành Nông nghiệp và Môi trường đối diện với thách thức gì, thưa Bộ trưởng?

- Hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Tình trạng nghiên cứu xong khó hoặc không thể thương mại hóa, ứng dụng vào thực tiễn đời sống là thách thức không nhỏ. Một trong những “nút thắt” là sự trì trệ trong đổi mới thể chế, đặc biệt là cơ chế trọng dụng nhân tài. Hành lang pháp lý chưa đủ thông thoáng để thu hút, giữ chân các nhà khoa học trình độ cao, yếu tố then chốt để xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, nền tảng cho mọi đột phá. Thực tế, với hơn 11.400 nhà khoa học, mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu và hơn 16.000ha đất, hiệu quả khai thác còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc thiếu chính sách đãi ngộ cụ thể, cạnh tranh và khuyến khích sáng tạo.

Một bất cập khác nằm ở sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, trong khi ngân sách địa phương có thể dành 2% tổng chi cho khoa học, công nghệ, nhưng thiếu nhân lực triển khai; cấp trung ương - nơi tập trung nhiều chuyên gia đầu ngành lại thiếu kinh phí nghiên cứu. Đáng chú ý, phần lớn kinh phí khoa học, công nghệ (khoảng 54%) lại dành cho bộ máy hành chính, lương thưởng thay vì đầu tư trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu.

- Vậy, những khó khăn nào cần tháo gỡ, thưa Bộ trưởng?

- Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ. Theo đó, Bộ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ quy định không phù hợp; có cơ chế linh hoạt hơn trong đặt hàng nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình “vườn ươm đổi mới sáng tạo”, kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia ngành Nông nghiệp và Môi trường...

Thứ ba, đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ để các nhiệm vụ nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để mời gọi sự tham gia rộng rãi của các chủ thể, không phân biệt công - tư.

Thứ tư, tập trung đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tiễn. Có cơ chế thu hút, đội ngũ chuyên gia, trí thức giỏi để tạo hệ sinh thái nhân lực sáng tạo, năng động, gắn bó với ngành.

Thứ năm, chuyển đổi số toàn diện và thực chất, không dừng lại ở số hóa thông tin mà đẩy mạnh xây dựng các nền tảng quản trị dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và hệ thống dự báo thông minh; nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư...

Có thể nói, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ mở đường cho giai đoạn phát triển mới của ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam - giai đoạn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu mà trở thành trụ cột cho phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy: Số hóa thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.