Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bằng với Hà Nội

Nữ Quỳnh| 06/11/2010 06:36

(HNM) - Thời gian qua, các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận. Qua 4 lần chỉnh sửa dự thảo, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Điều này cũng hợp lý bởi đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh một không gian đặc biệt có ý nghĩa.

Thực tế, suốt một thời gian khá dài vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra nhằm xây dựng một văn bản pháp lý phù hợp với Hà Nội. Dự thảo Luật Thủ đô cũng đã được chau chuốt, cân nhắc kỹ qua nhiều lần, nhiều khâu thẩm định. Nhưng dĩ nhiên, từ tính đặc thù của từng mảng, từng khu vực, địa phương mà việc hình thành văn bản pháp luật có khác nhau. Đến lúc này, ngay tại diễn đàn Quốc hội cũng vẫn tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược. Song cũng có thể dễ thấy là những người không sinh sống, không tham gia công tác quản lý tại Hà Nội, hẳn sẽ có những cái nhìn khác. Đôi khi quan điểm, cách nhìn ấy giống với nhiều việc đang được áp dụng tại các thủ đô trên thế giới, hoặc thậm chí là ngay tại các thành phố khác ở Việt Nam và hẳn nhiên không sai về tính pháp lý. Nhưng chế tài chung lại không hẳn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của những địa phương vốn đang chịu nhiều áp lực từ sự phát triển của xã hội, như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đặt câu hỏi: "Phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn?". Thiết nghĩ, ý thức chấp hành pháp luật thì chắc chắn ở đâu cũng như thế cả, đều phải được xử lý phù hợp theo pháp luật. Nhưng, cũng xin đặt câu hỏi: "thực tế chúng ta đã ứng xử thế nào khi một công dân tự họ không tôn trọng pháp luật?". Chẳng hạn vụ việc xảy ra mới đây, một công dân vi phạm các quy tắc trong tham gia giao thông đã xúc phạm người thừa hành nhiệm vụ bằng hành vi nhổ nước bọt. Rốt cuộc chúng ta đã xử lý như thế nào? Chỉ là một quyết định xử phạt hành chính với mức phạt vài trăm ngàn đồng. Dư luận bức xúc rằng "thiếu tính răn đe" nhưng sự thật là cơ quan hành pháp đã thực hiện theo đúng những gì pháp luật quy định.

Cũng có người đặt vấn đề: Hà Nội là đầu tàu thì phải giữ vai trò chuẩn mực. Điều ấy đúng. Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên nhìn nhận công bằng hơn với Hà Nội. Nếu chúng ta cứ khư khư buộc Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải áp dụng các chính sách xã hội ngang bằng với các địa phương khác thì đó mới chính là chưa công bằng. Một người giàu ở Hà Nội mà đóng thuế bằng một người nghèo ở nông thôn thì đó mới là chưa công bằng. Nghĩa là phải hiểu "công bằng" không phải là "cào bằng". Người dân sống tại các thành phố lớn có mức thu nhập, sự tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cao hơn rất nhiều so với người dân vùng sâu, vùng xa. Vậy thì bắt buộc họ phải có nghĩa vụ khác.

Ở trong nước ta phải theo nguyên tắc pháp luật trong nước, nhưng ra nước ngoài ta có thể phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại có khi trái ngược. Vấn đề cư trú, môi trường, quy hoạch, tăng mức xử phạt hành chính là những vấn đề rất đặc thù mà Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đang gặp phải. Nếu ta cứ chấp nhận bình đẳng theo kiểu cào bằng, tức là cứ xử lý nhẹ, chắc chắn vi phạm sẽ tràn lan. Hơn nữa, phải hiểu mục đích phạt nặng ở đây là để làm giảm vi phạm, giữ được kỷ cương xã hội chứ không thể hiểu theo nghĩa tăng phạt là "nhằm" vào nhân dân. Tức là không thể đồng nhất người vi phạm với nghĩa vụ của công dân. Đó mới chính là công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bằng với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.