(HNM) - Tết Dương lịch năm 2015 người lao động được nghỉ 4 ngày nhưng chỉ trong ba ngày, cả nước đã xảy ra 160 vụ tai nạn làm chết 81 người, bị thương 97 người. Phần lớn tai nạn xảy ra trên các tuyến đường bộ.
Nhiều năm qua, có một thực tế là các kỳ nghỉ lễ, nghỉ Tết, số vụ tai nạn luôn cao hơn ngày thường. Nguyên nhân vẫn là lái xe chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, xe mất phanh, mất lái. Và theo số liệu của Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt - Đức, hơn 60% người bị tai nạn cấp cứu trong 2 ngày đầu đợt nghỉ Tết đã sử dụng rượu bia.
Nhà nước đã đầu tư nguồn lực để làm đường mới, cải tạo nâng cấp nhiều tuyến đường cũ, cắm biển báo trên hầu hết các tuyến đường, siết chặt hoạt động của các trung tâm dạy lái xe, tăng cường công tác kiểm định, xử phạt xe quá khổ, chở quá tải. Lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố cũng tăng cường tuần tra, xử phạt… Người tham gia giao thông cũng có thêm nhiều bài học khi phương tiện truyền thông đưa tin các vụ tai nạn và nguyên nhân gây tai nạn. Cố gắng là vậy và số vụ tai nạn có giảm nhưng không giảm sâu, điều đó có nghĩa là vẫn còn bất cập.
Nếu cộng chiều dài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên cả nước thì vẫn không bằng chiều dài của các tuyến đường liên huyện, liên xã. Phần lớn đường chưa rộng, chất lượng đường không tốt, chạy qua nhiều làng xã và nhà dân mở cửa ra là đường. Một số tuyến còn trở thành sân phơi lúa, rơm hay sắn thái. Cuộc sống khấm khá lên, số lượng xe máy ở nhiều vùng nông thôn ngày càng nhiều, mỗi nhà ít nhất có 1 chiếc trở lên. Đường đông nhưng người tham gia giao thông vẫn nếp cũ "đường làng ta, ta cứ đi" nên nguy hiểm luôn rình rập. Trên các tuyến đường liên huyện đôi khi còn có bóng dáng cảnh sát giao thông nhưng đường liên xã thì không thấy. Một thống kê của cơ quan an toàn giao thông cho thấy, số vụ tai nạn tại các tuyến đường này khá cao. Tất nhiên không thể thêm biên chế cho cảnh sát giao thông để rải quân đến tận xã, nhưng cần phải có biện pháp nào đó.
Nhiều sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra lái xe tải, xe khách có nghiện ma túy hay không, đó là một cách hạn chế gây tai nạn vì trách nhiệm của người lái xe khách rất nặng nề, phải bảo đảm tính mạng cho vài chục con người, nếu nghiện sẽ vô cùng nguy hiểm. Tương tự lái xe tải trọng lớn cũng vậy, lái xe thiếu thuốc nếu xe gây tai nạn, nguy hiểm cho người đi đường cao gấp nhiều lần xe nhỏ. Tuy nhiên cách kiểm tra báo trước như hiện nay sẽ để lọt nhiều lái xe nghiện chưa kể, việc khám sức khỏe để đi thi hay cấp lại bằng cũng rất đơn giản. Người khám có thể vượt qua ngay cả khi họ mắc những chứng bệnh yếu thần kinh hay huyết áp. Còn nếu bị bệnh tim thì nhiều khi chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có giấy khám đủ sức khỏe với chữ ký thật.
Vài năm trở lại đây, xe đạp điện đang trở thành mốt, người ta cho rằng sử dụng phương tiện này góp phần bảo vệ môi trường vì không thải khí CO2 nhưng thực tế một năm phải thay ắc quy hai lần thì độc hại từ ắc quy chì cũng không kém khí thải. Nhưng nguy hiểm hơn là xe đạp điện chạy tốc độ xe máy nhưng phanh xe đạp, lại không có tiếng động tạo ra nguy cơ tai nạn rất cao...
Chừng nào còn nhiều tai nạn thì vẫn còn bất cập. Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết triệt để những bất cập đang tồn tại thì sẽ không có kỳ nghỉ lễ, tết nào trọn vẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.