Qua quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho thấy, nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND cấp phường đã xuất hiện những khó khăn, bất cập khiến cho công tác này chưa thực sự hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy:
Xác định được trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát
Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, UBND và chủ tịch UBND phường đều chịu sự giám sát trực tiếp của HĐND quận, thị xã. Một mục tiêu quan trọng của hoạt động giám sát là xác định được trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát. Điều này được hiểu là bao gồm cả trách nhiệm tập thể UBND và trách nhiệm cá nhân chủ tịch UBND. Tuy nhiên, Nghị quyết số 97/2019/QH14 chỉ quy định về tính chịu trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, không đề cập đến trách nhiệm tập thể UBND đối với bất cứ một chủ thể nào khác. Bên cạnh đó, HĐND quận, thị xã không thể sử dụng mọi công cụ giám sát mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015 đã trao cho mình để giám sát UBND phường. HĐND quận, thị xã chỉ có thể giám sát gián tiếp UBND phường thông qua việc giám sát hoạt động của UBND cùng cấp (UBND quận, thị xã). Điều này vô hình trung làm giảm vai trò giám sát của HĐND quận, thị xã, trong khi hiệu quả của các hình thức giám sát khác cũng vẫn còn khá khiêm tốn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn:
Chưa có sự thay đổi tích cực, rõ nét thực sự về số lượng và chất lượng
UBND phường, chủ tịch UBND phường chịu sự giám sát của HĐND quận, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng, trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát mới được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi tích cực, rõ nét thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường. Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán, từ đó gặp khó khăn trong triển khai, thực hiện. Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thật sự thuận lợi, chưa bảo đảm tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại phường...
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ:
Hoạt động giám sát UBND phường của HĐND quận, thị xã còn khó khăn
Khi chưa thí điểm không tổ chức HĐND phường, công tác giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND và hoạt động của các cơ quan nhà nước khác được HĐND phường thực hiện có hệ thống, sâu sát. Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, HĐND quận, thị xã gặp khó khăn trong giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn phường do đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát. Hơn nữa, với nội dung giám sát rất rộng, trong khi với đội ngũ nhân lực của HĐND quận, thị xã như hiện nay sẽ gây ra nhiều khó khăn cho HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Dù số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là 19 người, nhưng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, thị xã vẫn giữ nguyên, trong khi đội ngũ này mới là những người trực tiếp tiến hành hoạt động giám sát đối với UBND phường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.