(HNM) - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng ý thức sống - làm việc theo Hiến pháp và pháp luật ở mỗi công dân... Tuy vậy, công tác này hiện còn nhiều “khoảng trống”.
Những đóng góp tích cực
Các tuyến phố, ngõ, ngách của 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hôm nay đã thực sự khang trang, sạch đẹp từ nhà ra ngõ. Việc treo cờ dịp lễ tết, việc tổ chức hiếu, hỷ, lễ hội trên địa bàn được bảo đảm theo các tiêu chí văn minh, tiết kiệm... Bà Nguyễn Thị Hòa, ở phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, gia đình bà cũng như người dân luôn ý thức thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên...
Hội thi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng cháy, chữa cháy tại quận Hoàn Kiếm. |
Kết quả này có được nhờ đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ phổ biến, giáo dục pháp luật. Chia sẻ về công tác này, bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận đã tham mưu giúp UBND quận ban hành 20 văn bản để triển khai thực hiện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ gắn với chất lượng các chương trình cụ thể ở từng đơn vị. Cách làm khoa học của quận Hoàn Kiếm đã đạt kết quả tốt. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường thuộc quận đã tổ chức được 38 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật cho 4.473 lượt người tham dự; biên soạn 10 loại đề cương giới thiệu các luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, như: Luật Du lịch, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Quản lý ngoại thương...
"Ngoài tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác này, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật gắn với những điều luật mới, điển hình như cuộc thi: Người tốt, việc tốt trong thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; thi tìm hiểu về Bộ luật Dân sự, phòng cháy, chữa cháy... Hội đồng chỉ đạo sát sao các đơn vị, UBND các phường chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản phục vụ nhiệm vụ chính trị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng ngành tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, “Ngày pháp luật” cho riêng từng ban, ngành do Phòng Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Chỉ huy quân sự quận và Công an quận duy trì đã thành nền nếp, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng hội viên; UBND các phường thuộc quận tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân..." - Bà Ngô Hồng Thủy nói.
Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chia sẻ: "Chúng tôi xác định, không chỉ tuyên truyền, vận động suông kiểu “ấn định” cho người dân phải nắm bắt pháp luật về lĩnh vực này, quy định kia, mà chú trọng chất lượng trong quá trình triển khai, lấy việc nâng cao nhận thức, hiểu và thực hiện trên thực tế của người dân làm “thước đo”. Cách làm này tuy vất vả, nhưng mang lại hiệu quả “kép”, chất lượng cán bộ và chất lượng đưa pháp luật vào đời sống nhân dân đồng thời được nâng cao".
Hiệu quả nhờ... nhiều phía
Đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Kế hoạch số 256/KH-UBND ngày 29-12-2017 về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết: Vừa qua, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 20 đơn vị quận, huyện, phường, xã. Qua đó phát hiện công tác tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương còn "khoảng trống". Nguyên nhân chủ yếu là chưa chú trọng, thiếu quyết liệt, dẫn đến nhận thức của cán bộ làm công tác này còn hạn chế; việc phối hợp giữa các phòng, ban ở một số đơn vị còn lỏng lẻo; chế độ trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chưa rõ ràng; tại một số địa phương, lề lối làm việc công chức xã còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ... Thực tế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân là việc rất quan trọng, giúp mọi người có kiến thức pháp luật, tự ngăn mình không vi phạm các điều pháp luật cấm, đồng thời tự bảo vệ tốt quyền công dân của bản thân, gia đình. Nhiều tài liệu đã chứng minh, nhiều người vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật.
Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ phụ thuộc ở các cơ quan chức năng, những người có chức trách, nhiệm vụ mà mỗi công dân cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động “đón nhận” kiến thức pháp luật qua nhiều kênh thông tin truyền thông. Việc làm này sẽ góp phần lấp đầy "khoảng trống” pháp luật ở không ít công dân, cũng như để tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.