Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con đường chưa bằng phẳng

Quỳnh Dung| 21/11/2011 07:00

(HNM) - Việc áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tốt tại Việt Nam (VietGAP) đã mang lại những lợi ích như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sức khỏe của cộng đồng, nâng cao giá trị sản phẩm khi xuất khẩu.


Việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản tại nước ta còn nhiều bất cập
Ảnh: Huy Hùng

TS. Như Văn Cẩn, Vụ NTTS (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ đang tiến hành phổ biến và áp dụng VietGAP cho 3 đối tượng thủy sản chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm chân trắng trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trên cơ sở hiệu quả thực tế sẽ tiếp tục hướng dẫn áp dụng cho các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế khác. Việc áp dụng VietGAP trong NTTS nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ. Nhưng thực tế triển khai nhiều năm qua ở các địa phương vẫn còn khó khăn. Nếu như cơ sở nuôi đầu tư theo đúng các quy trình thì chi phí sẽ tăng lên 20-30% nhưng giá cá nguyên liệu bán ra chẳng khác với cá nuôi bình thường, nên không khuyến khích được người nuôi mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai dự án VietGAP từ năm 2003, với diện tích hơn 130ha. Qua thực hiện đã cơ bản xây dựng được quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (khoảng 200 tiêu chí), nên chi phí đầu tư lớn, bởi nuôi theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến quy trình nuôi đều phải được cấp chứng nhận. Nhưng giá bán sản phẩm không cao hơn so với sản phẩm thủy sản bình thường, cụ thể: giá cá tra, áp dụng mô hình VietGAP có giá khoảng 28.500 đồng/kg, nếu không áp dụng có giá 28.000 đồng/kg. Ngoài ra, để được cấp chứng nhận VietGAP, cơ sở nuôi phải chi khoảng 10.000 USD cho mỗi lần làm các thủ tục chứng nhận, điều này cũng gây khó khăn cho người nuôi...

Thực tế là nuôi thủy sản áp dụng mô hình VietGAP sẽ đáp ứng được những tiêu chí bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn xã hội. Nhưng cái khó để nhân rộng mô hình này là việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi thủy sản đều yếu và kém, nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống ao chứa, ao lắng chưa đồng bộ nên không đáp ứng được yêu cầu. Hình thức nuôi chủ yếu của vùng vẫn là quảng canh cải tiến, năng suất, chất lượng thấp và không ổn định. Sản xuất thủy sản vẫn chỉ là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sản phẩm tiêu thụ chủ yếu cho các thương lái, do đặc điểm sản xuất còn nhỏ, sản lượng thấp, không ổn định, người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, việc áp dụng VietGAP là rất cần thiết để thủy sản phát triển theo hướng bền vững, mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhưng để các địa phương áp dụng rộng rãi mô hình này nhà nước nên hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi hiện đại từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn VietGAP. Để VietGAP được công nhận ở thị trường quốc tế phải có quá trình, do đó trước mắt khi triển khai, các địa phương nên chọn các doanh nghiệp sản xuất lớn có diện tích nuôi tập trung, thâm canh, bán thâm canh sau đó tuyên truyền rộng rãi cho nông dân tích cực tham gia; có cơ chế khuyến khích người dân khi tham gia mô hình này.

Các cơ sở và hộ nuôi nhỏ lẻ nên liên kết lại với nhau để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho từng vùng nuôi. Thời gian đầu, những cơ sở đăng ký chứng nhận VietGAP sẽ được nhà nước cấp chứng nhận miễn phí, nhưng số tiền đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn đó thì các cơ sở phải tự túc. Bộ NN&PTNT tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức GlobalGAP, ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản)… tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi xuất khẩu đạt chứng nhận các tiêu chuẩn của quốc tế theo yêu cầu thị trường. Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành nghiên cứu các thị trường bán lẻ châu Âu và một số thị trường khác để giới thiệu sản phẩm và đàm phán với đối tác để bảo đảm sản phẩm nuôi theo VietGAP có giá cao hơn sản phẩm khác. Mục tiêu của Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% vùng nuôi thủy sản cả nước đạt được tiêu chuẩn VietGAP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường chưa bằng phẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.