Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn “dư địa” cho hàng xuất khẩu

Hồng Sơn| 20/02/2016 08:07

(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2016, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 13,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả này cho thấy, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được duy trì đều đặn. Tuy nhiên, thực tế đang yêu cầu phải có những giải pháp quyết liệt hơn để xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hàng điện tử là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu tháng 1-2016. Ảnh: Nhật Nam


Tháng 1-2016, một số mặt hàng quan trọng, có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hàng điện tử, máy tính; dệt may, giày dép; rau quả, thiết bị và phụ tùng. Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch tới 2,5 tỷ USD, tăng 44,7% so với tháng trước. Về cơ cấu thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng qua, với kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 2,7 tỷ USD, tăng 1,8%; Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,3%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, giảm 12,4%; Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; Hàn Quốc đạt 750 triệu USD, tăng 12,8%...

Theo Bộ Công thương, giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng cao cũng như nước này trở thành thị trường hàng đầu của Việt Nam là yếu tố rất đáng khích lệ. Đặc biệt, Mỹ cùng 11 nước khác (trong đó có Việt Nam) vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là "cú hích" mạnh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, phần lớn hàng Việt Nam sẽ được miễn thuế khi xuất sang Mỹ và như vậy doanh nghiệp (DN) của ta sẽ tận dụng được lợi thế về giá để gia tăng sức cạnh tranh đối với hàng cùng chủng loại của các nước ngoài TPP.

Trong các cuộc họp gần đây của Chính phủ, Chính phủ đã xác định, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là TPP sẽ là yếu tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của DN từ nay về sau. Đây là kết quả và hiệu ứng của việc hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới của Việt Nam. Theo đó, Bộ Công thương sẽ chủ động tuyên truyền nội dung, các quy định liên quan và cơ hội xuất khẩu đến DN; trong đó nhắm vào một số FTA Việt Nam mới tham gia, như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA Việt Nam - EU… để DN nắm bắt, từng bước chuẩn bị và tận dụng cơ hội. Đó là những "chợ" có sức mua lớn nhưng DN của ta chưa khai thác được bao nhiêu.

Đơn cử, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của thế giới, nhưng tổng giá trị xuất khẩu hàng Việt mới chỉ bằng hơn 1% của tổng nhu cầu nhập khẩu của thị trường này. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với việc hiện còn nhiều "dư địa" cho hoạt động xuất khẩu của hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội, hiện đa số các DN ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực có hạn; nhất là hạn chế về công nghệ, vốn và năng lực quản trị nên không dễ cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhận diện đúng thực tế, những tồn tại để kịp thời hỗ trợ DN, tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết thực.

Đó là, DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay một cách dễ dàng, với lãi suất càng thấp càng tốt nhưng tối thiểu cũng là mức dưới 5% bên cạnh việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, thông tin thị trường và đào tạo nguồn nhân lực… Những yếu tố đó cần được hội tụ, giải quyết đồng bộ nhằm nâng cao "sức khỏe" DN để tồn tại và duy trì hoạt động xuất khẩu. Nhưng, việc tận dụng được bao nhiêu cơ hội, ở mức độ nào lại không có sự đồng đều giữa các đơn vị và chắc chắn phụ thuộc vào chính khả năng sáng tạo, tinh thần đổi mới, nhạy bén của từng đơn vị. Được biết, đến nay mới có khoảng 30% DN biết vận dụng các điều khoản có lợi trong cam kết của các FTA để hưởng lợi và sẵn sàng cho việc tăng cường xuất khẩu; cho thấy DN cần chủ động hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cần theo dõi tình hình, kịp thời hỗ trợ DN để bảo đảm sự tiếp nối, gia tăng kim ngạch ngay từ đầu năm - là tiền đề cho sự chuyển biến tích cực cho cả năm 2016…

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:
Cách duy nhất là không ngừng sáng tạo 

Mặc dù DN được hưởng lợi từ sự cắt giảm thuế quan nhưng mỗi đơn vị đều phải đáp ứng một điều kiện tiên quyết là bảo đảm chất lượng hàng hóa, bởi các thị trường nói trên rất "khó tính" cũng như tập quán thương mại quốc tế hiện đại rất minh bạch, lại càng không bao giờ có sự nhân nhượng cho đối tác. Từ đó, DN của ta chỉ còn cách duy nhất là không ngừng sáng tạo, tạo dựng thương hiệu và uy tín để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng. Đó cũng là thực tế giúp DN nội rèn luyện, trưởng thành và phát triển thông qua hoạt động xuất khẩu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn “dư địa” cho hàng xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.