(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, một số ý kiến đề nghị cần viết kỹ hơn, sâu sắc hơn, thể hiện sự coi trọng đúng mức đối với công tác xây dựng Đảng.
PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội:
Lấy xây dựng Đảng là một trong những khâu đột phá chính
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội khá toàn diện, tuy nhiên, theo tôi, nên lập bảng so sánh kết quả đạt được so với chỉ tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đặt ra để dễ nhận biết. Về các bài học kinh nghiệm, dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ nhiệm kỳ 2015-2020 thì bài học nào là chính, ngoài những bài học mang tính kinh điển; đồng thời nên có ví dụ cụ thể.
Đối với phần phương hướng, nhiệm vụ, khi nêu về đột phá nên tập trung hơn và lấy xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những khâu đột phá chính. Đảng ta là đảng cầm quyền, nếu Đảng mạnh, sẽ có hệ thống chính trị mạnh, sức mạnh đoàn kết giữa Đảng và nhân dân được tăng cường, bảo đảm giúp Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển bền vững.
Tôi hoàn toàn đồng tình khi dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề cập việc tiếp tục thực hiện quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp; coi đây là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Ngoài ra, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải có cơ chế lắng nghe dân và lựa chọn phương thức đánh giá việc này thì các số liệu công bố mới phản ánh đúng, sát thực tế...
Đảng viên Phạm Mùi (Chi bộ số 2, Đảng bộ phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm):
Bố cục cần tương xứng với vị trí của công tác xây dựng Đảng
Càng nghiên cứu sâu dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tôi càng thấy bổ ích, vì đã giúp tôi nhìn nhận đầy đủ hơn những điểm được và chưa được trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua. Qua đó, tôi cũng hình dung rõ hơn về mục tiêu của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện quá trình xây dựng rất bài bản, công phu, có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, tôi xin nêu một vài ý kiến sau: Bố cục dự thảo có 2 phần, trong phần thứ hai, tôi đề nghị chia thành 2 mục lớn. Mục lớn thứ nhất là “Mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm (2020-2025)”; mục lớn thứ hai là “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh”. Sở dĩ tôi đề nghị tách riêng và nâng cấp mục về công tác xây dựng Đảng lên là nhằm khẳng định công tác xây dựng Đảng là khâu then chốt, cần được đặc biệt đẩy mạnh.
Về số lượng đảng viên, dự thảo Báo cáo chính trị mới ghi là số đảng viên Đảng bộ thành phố chiếm “hơn 10% tổng số đảng viên của cả nước”, không nêu cụ thể là bao nhiêu đảng viên. Theo tôi đây là con số nên đưa cụ thể vào dự thảo.
Đảng viên Đỗ Thế Gia (Đảng bộ xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai):
Xây dựng đảng bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Về toàn cục, tôi nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Song, trong dự thảo có viết: “... đảng viên mới được kết nạp hằng năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra...”. Theo tôi, việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới nên cân nhắc kỹ hơn về số lượng để bảo đảm chất lượng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đặt vấn đề làm sao để Đảng ta đông và phải mạnh, không để Đảng ta đông, nhưng không mạnh. Ở Đảng bộ thành phố Hà Nội, lãnh đạo Thành ủy cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề này. Vì thế, tôi đề nghị, trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội phải thể hiện rõ quyết tâm xây dựng đảng bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tôi kiến nghị, Thành ủy nên đưa vào dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm vụ rà soát, đổi mới sắp xếp tổ chức Đảng cho phù hợp. Ví dụ: Tổ chức Đảng ở các trường học trong cùng một xã có thể hợp nhất thành một đơn vị; đảng viên chi bộ hợp tác xã nông nghiệp thì nên chuyển về sinh hoạt ở chi bộ thôn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.