(HNM) - Hôm nay, ngày 10-3 âm lịch, hàng chục triệu đồng bào cả nước và hàng triệu kiều bào ở hải ngoại lại hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.
"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Câu ca đã nói lên tâm tư, tình cảm từ ngàn đời của người dân nước Việt. Đã là "con Lạc, cháu Hồng" thì dù ở đâu, làm gì cũng đều nhớ đến ngày Giỗ Tổ, mong muốn được hành hương về cội nguồn dân tộc để thắp nén tâm nhang thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước.
Phải khẳng định rằng, Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc. Không chỉ để lại dấu ấn ở những di sản vật thể - minh chứng cho thời kỳ dựng nước, mà thời đại Hùng Vương còn để lại những giá trị phi vật thể vô cùng to lớn.
Đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng yêu nước, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào… Những giá trị đó đã được các thế hệ người Việt ra sức vun đắp, giữ gìn từ đời này sang đời khác, xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm nên cốt cách, tâm hồn người Việt Nam. Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, đồng thời là cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt Nam. Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nhờ tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có sức sống bền bỉ, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội và sự khác biệt tôn giáo, vượt qua mọi thử thách trong lịch sử. Đó cũng là triết lý căn bản để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương giữ vai trò trung tâm, đoàn kết tập hợp tất cả các thành phần, dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, hình thành một quốc gia thống nhất và trường tồn.
Nhiều người còn nhớ, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cho công nhân viên chức được nghỉ làm trong ngày 10-3 âm lịch để tham gia Giỗ Tổ. Cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng được Nhà nước và nhân dân ta quan tâm một cách toàn diện. Ngày 2-4-2007, Nhà nước đã phê chuẩn điều luật cho người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ. Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc lễ, tiếp nối và khẳng định truyền thống đạo lý của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đáng kể là tại kỳ họp lần thứ 7 tổ chức ngày 6-12-2012, Ủy ban liên Chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thuộc UNESCO đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng". Thật vinh dự và tự hào, bởi sự kiện đó cho thấy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam có sức lan tỏa rộng lớn, trở thành di sản mang tính toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với những thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp mỗi người Việt Nam càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, hội tụ sức mạnh và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.