(HNM) - Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia
Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất và thêm một lần nữa khẳng định, cội nguồn mọi thắng lợi trong suốt tiến trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ thành tựu nhận thức lý luận, từ năng lực vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết cách mạng và khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước.
Đất nước ngày càng phát triển - Thành quả từ quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng |
Những thành tựu to lớn
Đề dẫn hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ quá trình nhận thức, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng ta vào thực tiễn cách mạng thể hiện rõ trên hai thành tựu lớn là: Phát triển lý luận của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và Phát triển lý luận của Đảng về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. "Lựa chọn đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một thành tựu to lớn về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng (...). Nhận thức và hành động theo con đường này, cùng với việc xác lập một hệ luận điểm giải quyết một cách đúng đắn, hài hòa và sáng tạo mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống "hai đế quốc to", đứng vào hàng ngũ tiền phong của các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh phá bỏ nô dịch dân tộc, xây dựng nền độc lập bền vững gắn kết chặt chẽ với tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, với bình đẳng và tiến bộ xã hội" - PGS.TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ.
64 tham luận gửi tới và hàng chục tham luận trực tiếp tại hội thảo đã làm sáng rõ tinh thần đổi mới và sức sáng tạo to lớn của Đảng ta. PGS.TS Đinh Quốc Lý (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, quá trình phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. "Trong khi khẳng định giá trị phổ biến những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và chế độ cộng sản có thể áp dụng vào cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng cho rằng: Cần phải bổ sung học thuyết Mác bằng truyền thống lịch sử, văn hóa của các dân tộc phương Đông". Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", đồng chí Nguyễn Ái Quốc không theo khuôn mẫu truyền bá trực tiếp các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà đặc biệt coi trọng đạo đức, coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng. "Sự sáng tạo về nội dung và phương pháp truyền bá, giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thập niên 20 của thế kỷ XX là động lực thúc đẩy phong trào công nhân chuyển từ trình độ tự phát lên trình độ tự giác; đưa phong trào yêu nước Việt Nam chuyển từ lập trường quốc gia sang lập trường cộng sản, tạo cơ sở phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam" - PGS.TS Đinh Quốc Lý khẳng định.
Vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: "Năm 1954, miền Bắc được giải phóng và quá độ lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những đặc điểm riêng để từ đó đề ra đường lối, phương châm và bước đi thích hợp và phải tìm ra quy luật riêng của Việt Nam, không thể giống các nước khác. Đó là sự khởi đầu của quá trình hiện thực hóa CNXH ở Việt Nam. (...) Trải qua quá trình xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954-1975), xây dựng CNXH trên cả nước (1975-1986), đặc biệt là công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn". Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, sáng tỏ hơn ở đây là về mục tiêu và mô hình 8 đặc trưng của CNXH của Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011). Sáng tỏ hơn về chế độ chính trị, về mô hình phát triển kinh tế, cơ cấu và chính sách xã hội và về hình thức, chặng đường, bước đi của thời kỳ quá độ. Sáng tỏ hơn về nội dung và khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), đồng thời tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN.
PGS.TS Đặng Hữu Toàn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chỉ rõ: "Vốn là những nhà triết học duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen không bao giờ coi học thuyết, lý luận của mình là hoàn chỉnh và đã xong xuôi hẳn, càng không bao giờ các ông coi là những giáo điều, tín niệm. Các ông chỉ coi học thuyết của mình là một sự gợi ý về phương pháp, như một kim chỉ nam cho hành động sáng tạo cách mạng". Theo ông, quá độ lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN ở Việt Nam, về thực chất, là con đường "phát triển rút ngắn" với các biện pháp "quá độ gián tiếp" nhằm tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Đây là đường lối cách mạng nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng xã hội chủ nghĩa; là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng. "Quá độ lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN ở Việt Nam là bước phát triển tất yếu, khách quan, hợp quy luật theo tiến trình lịch sử - tự nhiên, là con đường phát triển phù hợp với nguyện vọng, khát vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam, con đường phát triển nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH" - PGS.TS Đặng Hữu Toàn khẳng định.
Tham luận tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 khóa VIII), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng lên; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước tiến bộ và trưởng thành về nhiều mặt.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, Đảng ta tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo nên khí thế mới, sức mạnh mới, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.