(HNM) - Sự thôi thúc có những tác phẩm hay, để lại dấu ấn, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), đang tạo chuyển động rõ rệt trong đời sống thi ca Thủ đô thời gian gần đây. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, giới hoạt động trong lĩnh vực này phải phân tích kỹ hơn các khuynh hướng sáng tác và cổ vũ những đổi mới có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của Thủ đô.
Trước hết phải hay
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình (Hội Nhà văn Hà Nội) nhìn nhận, trong dòng chảy thi ca đương đại, thơ của các tác giả Hà Nội và thơ viết về Hà Nội luôn có điểm riêng, khác biệt, đó là sự hào hoa, tinh tế. Phần lớn các khuynh hướng thi ca cũng đều bắt nguồn từ Hà Nội.
Theo nhà phê bình văn học Vũ Nho, thơ Hà Nội đương đại có nhiều đổi mới so với trước đây và theo nhiều khuynh hướng như sáng tác thơ dài - trường ca, sáng tác thơ ngắn - thơ tối giản (2-5 câu), sáng tác dựa vào ảnh hưởng của thơ nước ngoài, cách tân những thể thơ truyền thống… Điều đặc biệt, mỗi khuynh hướng đều có sự hòa nhịp của những nhà thơ tên tuổi và thế hệ trẻ, tạo nên sự phong phú, sôi nổi cho thơ ca Hà Nội.
Để lại dấu ấn đáng kể trong các khuynh hướng sáng tác thơ Hà Nội kể trên, theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, là thơ tối giản, đi cùng với chủ nghĩa tối giản trong đời sống và văn học, nghệ thuật. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, thơ tối giản thể hiện được cảm xúc cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc, lấy ít thời gian của người đọc... Tiêu biểu cho dòng thơ này là nhà thơ Trần Quang Quý, với những thể nghiệm thơ 5 câu trong tập “Nam kau”; nhà thơ Mai Văn Phấn với những bài thơ 2 câu, 3 câu dịu dàng, trong vắt trong các tập “Thả”, “Lặng yên cho nước chảy”…
Dù sáng tác, đổi mới theo khuynh hướng nào, theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, trước hết thơ phải hay, lay động người đọc. Đó là những áng thơ mang hơi thở của Hà Nội hiện nay được thể hiện tinh tế bằng thi tứ, thi ngôn, thi ảnh, mà người yêu thơ muốn tìm đọc ngay khi ra đời. Chẳng hạn, nhà thơ Bằng Việt với tập thơ mới nhất “Hoa tường vi”, được bạn đọc đón nhận, bởi hướng vào những vấn đề của thế sự bằng ngôn từ mộc mạc, hàm súc, khái quát, gợi nhiều so sánh về Hà Nội xưa và nay.
Những câu thơ vừa trẻ trung, hiện đại, vừa chất chứa hồn phố Hà Nội trong bài “Gọi” của nhà thơ Trần Hữu Việt là một trong số ít tác phẩm được giới trẻ truyền nhau thuộc làu, được đưa vào trong phim truyền hình... Nhiều nhà thơ khác như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều…, hay các thế hệ trẻ hơn như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Hưng, Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai… đang miệt mài tạo nên những trang thơ hay về Hà Nội đương đại.
Bồi đắp nhân cách người Hà Nội
Tìm hướng đổi mới sáng tạo là thôi thúc của hầu hết những người sáng tác thơ của Hà Nội. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, không phải sự cách tân, khuynh hướng sáng tác nào cũng có tác động tốt đến sự phát triển của thi ca. “Cần có căn cứ, tiêu chí, thước đo nhất định để đánh giá giá trị trong sáng tác thơ đương đại. Sự dễ dãi trong việc “dán tem” đổi mới sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát thơ và tạo nên những biến thể với mục đích thiếu trong sáng”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại khẳng định, với vai trò là mái nhà chung của đội ngũ sáng tác văn chương Thủ đô, tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, Hội Nhà văn Hà Nội đang tập trung trí lực để phân tích, xác định những khuynh hướng sáng tác thơ Hà Nội. Các sáng tác tác động tích cực đến sự phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại sẽ được cổ vũ, khuyến khích bằng hình thức giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ sáng tác, phát hành…
Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tự thân mỗi người sáng tác, dù có tên tuổi hay bắt đầu bước vào con đường thi ca đều phải ý thức trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người Hà Nội đương đại, góp phần bồi đắp nhân cách người Hà Nội. Trở lại với tập thơ “Hoa tường vi” của nhà thơ Bằng Việt, trong đó có bài “Biến tấu ngày tận thế” khá ấn tượng, bởi tác giả không chỉ đem đến những câu thơ giàu nhạc điệu và hình ảnh, mà còn ẩn vào đó những triết lý cuộc sống, rằng khi con người đánh mất vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, không còn nhân tính, là lúc tận thế…
Ở một góc độ khác, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, để góp phần phát triển, phát huy những khuynh hướng sáng tác thơ có tác động tích cực, thì vai trò của người biên tập là vô cùng quan trọng. Họ chính là cầu nối đưa thơ đến với bạn đọc, đồng thời góp phần định hướng cho hoạt động sáng tác.
Hầu hết những tác phẩm thơ có giá trị, để lại dấu ấn trong lòng người đọc đều có bàn tay của người biên tập. Song, để làm tốt được sứ mệnh này, người biên tập thơ phải có nền tri thức, hiểu biết nhất định, thì mới có thể chỉnh sửa văn bản thêm hay. Bên cạnh đó, họ cần có sự nhạy cảm và hiểu biết về thơ để nhận ra “vàng” - “thau”, “ngọc” - “đá” trong quá trình lựa chọn hoặc loại bỏ các văn bản thơ; đồng thời có quan niệm vững chắc về giá trị để không bị dao động, hoang mang trước những thực hành thơ đang hiện diện và đưa những tác phẩm có giá trị thực sự đến công chúng…
Có sự hợp lực cổ vũ, khuyến khích của những người hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, chắc chắn các thi sĩ Hà Nội sẽ có thêm động lực để tạo nên những tác phẩm xứng đáng với mong đợi của công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.