(HNMCT) - Buôn Cô Thôn (hay buôn Akõ Thôn, buôn Akõ Dhông, buôn Nhà Ngói) là một buôn làng dân tộc Tây Nguyên nằm ở phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tên gốc của buôn là Akõ Dhông. Trong tiếng Ê Đê, “akõ” nghĩa là đầu nguồn, “dhông” là “suối”. Akõ Dhông có nghĩa là “đầu nguồn suối” bởi buôn này nằm ở vị trí đầu nguồn của 6 con suối, trong đó, Ea Nuôl là con suối lớn nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột.
Cô Thôn là một trong những buôn làng đẹp và giàu mạnh nhất Tây Nguyên. Buôn được hình thành năm 1956, trong kế hoạch khai hoang, lập đồn điền trồng cà phê. Khi ấy, nơi đây còn là vùng rừng núi hoang vu. Năm 1964, buôn Cô Thôn chính thức được thành lập với tên gọi Đồn điền Saint Benoit gồm 12 gia đình, chủ yếu là người Ê Đê và M’Nông. Tại đây, người dân dựng nhà theo kiểu truyền thống của người Ê Đê, có chiều dài trên 30m với khung gỗ, lợp mái tranh, vách tre nứa. Năm 1968, đồn điền Saint Benoit được đổi tên thành buôn Akõ Dhông và trở thành hợp tác xã.
Sau năm 1975, nhiều gia đình tới Cô Thôn lập nghiệp trước kia đã quay về buôn làng cũ, nhưng đại gia đình già làng Ama H’Rin vẫn ở lại. Ông tiếp tục truyền kỹ thuật trồng và phát triển nghề cà phê cho người dân nơi đây. Nhờ đó, kinh tế của các gia đình được cải thiện.
Ngày nay, Cô Thôn là một buôn làng độc đáo nằm trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Điểm đặc sắc là nơi đây vẫn gìn giữ được 32 ngôi nhà dài - nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên như 30 bộ cồng chiêng, 50 khung dệt truyền thống cùng nhiều loại ché, tượng, đồ chạm khắc, sáo môi, đàn lồ ô... Ở Cô Thôn, gia đình nào cũng biết làm rượu cần, đan lát và các nhạc cụ của dân tộc mình. Người dân cũng được hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng, đưa Cô Thôn trở thành điểm đến hút khách.
Đến với Cô Thôn, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân Tây Nguyên trong những ngôi nhà sàn, tham gia lễ hội cồng chiêng hay thưởng thức các món ăn dân tộc. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã chọn buôn Cô Thôn - Akõ Dhông là một trong những buôn điển hình tại Đắk Lắk để gìn giữ, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.