Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá

Hương Ly| 13/12/2010 07:14

Những ngày đầu tháng 12, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến giá nhiều hàng hóa quan trọng như vàng, kim loại quý, dầu… gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Những ngày đầu tháng 12, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến giá nhiều hàng hóa quan trọng như vàng, kim loại quý, dầu… gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Biến động liên tục của các đồng tiền trong thời gian gần đây, nhất là đồng USD đã dẫn đến xu thế tăng dự trữ vàng, đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của các quốc gia, làm ảnh hưởng đến giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước. Biến động giá vàng, tỷ giá kèm theo việc giá hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng mạnh đã khiến hàng hóa trong nước trong tuần đầu tiên của tháng 12 liên tục biến động mạnh. Từ ngày 1-12, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas như Saigon Petro, PV Gas South, Gia Đình Gas... đã tăng giá gas bán lẻ thêm 38.000 đồng/bình 12kg. Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, giá bán lẻ tăng là do giá gas trên thị trường thế giới tăng cao, đạt tới 925 USD/tấn (tăng thêm 140 USD/tấn) so với tháng trước, vì vậy các DN thành viên của hiệp hội buộc phải điều chỉnh giá bán, nâng mức giá một bình gas đến người tiêu dùng lên 333.000 đồng/bình 12kg. Đây được xem là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trên thị trường gas. Mặc dù giá gas hiện nay không nằm trong các mặt hàng chịu sự quản lý giá của Nhà nước. Mức giá do DN tự quyết định, tuy nhiên giá gas tăng cao đã gây áp lực lớn không chỉ với người dân, mà cả với các DN gas, bởi hiện nay gần 60% sản lượng gas của cả nước phải nhập khẩu.


Giáp Tết, giá các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng. Ảnh: Bảo Lâm


Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Chị Bùi Thu Trang, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trước đây suất cơm sinh viên chỉ 10.000 đồng/suất. Sau khi giá thực phẩm tăng, giá mỗi suất cơm đã tăng lên 12.000-15.000 đồng trong khi chất lượng không bằng thời điểm trước đó. Giá thực phẩm tăng mạnh cũng khiến các bà nội trợ phải cân nhắc khi mua thức ăn hằng ngày. Trước khi giá tăng, mỗi bữa cơm thường nhật trong gia đình có 4 người, chi tiêu mua thức ăn khoảng 50.000 đồng. Sau khi giá tăng, các bà nội trợ phải chi thêm tiền để bảo đảm lượng thực phẩm cần thiết cho gia đình, hoặc giảm bớt khẩu phần để cân đối chi tiêu.

Kiểm soát chặt việc niêm yết và kê khai giá

Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường, Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 đã chỉ rõ những nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nhằm ổn định giá thị trường. Tuy nhiên, theo quy luật, dịp cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá thường biến động do cung - cầu hàng hóa tăng mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng nhằm hạn chế tăng giá. Phía cơ quan chức năng cũng đã tổ chức phối hợp thanh, kiểm tra trên diện rộng nhằm loại bỏ hiện tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng làm lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên, để hạn chế những đợt biến động giá trên thị trường, vai trò của địa phương cũng rất quan trọng, nhất là việc chỉ đạo các DN tăng cường sản xuất để bảo đảm nguồn hàng và khơi thông các kênh phân phối nhằm cung cấp đủ, kịp thời hàng hóa cho thị trường. Các ngành chức năng sẽ tích cực kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này nhằm quản lý giá từ khâu sản xuất đến phân phối.

Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá trong dịp cuối năm 2010 và quý I-2011, Bộ Tài chính cho biết sẽ chỉ đạo giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế, như giá điện, giá than, giá nước sạch, cước vận tải hành khách bằng xe buýt trong đô thị, bằng đường hàng không; giá vé vận tải hành khách bằng ghế ngồi cứng trên phương tiện đường sắt… sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp. Bộ sẽ kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi DN thay đổi mức giá với 17 mặt hàng phải đăng ký giá, gồm xi măng, thép xây dựng, gas, than, phân bón hóa học, đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi… và những mặt hàng phải kê khai giá gồm: thuốc phòng chữa bệnh cho người, cước vận tải ô tô, dịch vụ tại cảng hàng không… Đặc biệt, trong trường hợp thị trường biến động bất thường, Bộ sẽ chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.