(HNM) - Bữa ăn nói chung đã luôn cần đến sự an toàn, bữa ăn công nghiệp có đặc thù phục vụ người lao động với cường độ, yêu cầu ngày càng cao lại càng cần bảo đảm yếu tố cơ bản nhất là an toàn.
Không ít vụ việc ngộ độc từ các suất ăn công nghiệp vừa qua đã cho thấy, đây không chỉ là câu chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hàng nghìn công nhân, người lao động mỗi ngày tại gần 500 bếp ăn của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố mà còn là câu chuyện ảnh hưởng tới cả sự vận hành của một đơn vị sản xuất, về lâu dài là sức khỏe nền sản xuất công nghiệp nói chung của địa phương.
Tiến tới nền sản xuất công nghiệp hiện đại thì vấn đề sức khỏe người lao động, sự an toàn trong các khâu, đặc biệt là an toàn bếp ăn công nghiệp cũng phải chuẩn hóa, hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà một số đơn vị sản xuất lớn đã không chỉ chú ý cải thiện chất lượng bữa ăn cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho lực lượng này tập luyện, nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động.
Để có bữa ăn không nỗi lo ngộ độc, đủ dinh dưỡng cho người lao động, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp thì còn cần đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Một tư duy lâu dài, để loại bỏ dần thói quen tham lợi trước mắt, hướng tới lợi ích bền vững. Bữa ăn tốt, sức khỏe tốt, lao động tốt sẽ đem lại lợi nhuận tốt, nguồn lực kinh tế tốt hơn cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Có sức khỏe là có tất cả!
Tất nhiên, để ngăn chặn triệt để những bữa ăn mất an toàn, trong điều kiện nhận thức, hoạt động của các bên liên quan còn hạn chế, thì phải có nhiều giải pháp thiết thực tác động đến tất cả các khâu liên quan, từ nguồn gốc thực phẩm, điều kiện vệ sinh bếp nấu, quá trình chế biến, vận chuyển đến sử dụng bữa ăn đúng cách.
Trước hết, vai trò và ý thức của chủ doanh nghiệp sẽ quyết định phần lớn mức độ an toàn của suất ăn công nghiệp. Thật vậy, cho dù phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kể trên, song một khi có sự quan tâm, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được các yếu tố quan trọng như: Quản lý tốt bếp ăn của đơn vị, nói không với các đơn vị cung cấp thực phẩm thiếu uy tín, hoặc có hành vi móc ngoặc với nhau để trên giấy tờ thì là đơn vị này, nhưng kỳ thực là đơn vị khác cung cấp thực phẩm… Đặc biệt, từ nhận thức và trách nhiệm với người lao động, với hoạt động sản xuất của mình, doanh nghiệp sẽ có sự phối hợp tốt với cơ quan chức năng để tiếp tục ngăn chặn, loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn đối với suất ăn công nghiệp.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo đảm an toàn suất ăn công nghiệp, cơ quan chức năng cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho việc hình thành, xây dựng chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, có chứng nhận. Càng nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn, công khai thì doanh nghiệp càng nhiều sự lựa chọn cũng như yên tâm khi ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm.
Cùng với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng là một kênh giám sát quan trọng, thậm chí là sát sườn đối với vấn đề này, thể hiện qua việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, nghiêm khắc đề xuất xử lý khi phát hiện sai phạm, nhất là gian lận trong việc hợp thức hóa giấy tờ để tuồn thực phẩm không nguồn gốc, không an toàn vào bếp ăn công nghiệp.
Đặc biệt, với thực tế phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm là từ các suất ăn được chế biến ở nơi khác rồi mang đến phục vụ công nhân, việc kiểm tra, xử nghiêm, phạt nặng các hành vi vi phạm càng cần thiết. Bản thân công nhân, tổ chức Công đoàn cũng cần có tiếng nói kịp thời, đúng cách để phản ánh về vấn đề an toàn của suất ăn công nghiệp, cùng xây dựng một tinh thần coi trọng đối với việc chăm lo sức khỏe cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.