Xã hội

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội: Hỗ trợ học viên nữ tìm lại chính mình

Hà Hiền thực hiện 01/11/2023 - 06:30

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) là đơn vị công lập duy nhất của thành phố Hà Nội có chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục, điều trị cai nghiện ma túy, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng... cho học viên nữ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật cho biết, do đặc thù về giới, hành trình hỗ trợ học viên nữ tìm lại chính mình có những thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

cai-nghien.jpg
Học viên nữ tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

- Trước tiên, ông có thể cho biết rõ hơn về những nhiệm vụ đặc thù của đơn vị?

- Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội là đơn vị đa chức năng. Chức năng chính là chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động trị liệu; xác định tình trạng nghiện ma túy; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy ổn định tâm lý, sức khỏe; phòng, chống tái nghiện; dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. So với các cơ sở cai nghiện ma túy khác trên địa bàn, đơn vị có chức năng đặc thù là tiếp nhận, quản lý, giáo dục, điều trị cai nghiện ma túy, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng... cho học viên nữ, gồm cả học viên nữ thuộc nhóm đối tượng từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Cùng với đó là nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt.

Sau hơn 20 năm tiến hành tiếp nhận và quản lý học viên nữ, đơn vị đã chăm sóc, điều trị cai nghiện và giúp đỡ về nhiều mặt cho hơn 6.400 lượt học viên. Hiện tại, đơn vị là nơi gửi gắm niềm tin có thể tránh xa con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời của 88 học viên nữ, gồm cả những trường hợp trong nhóm trẻ vị thành niên.

- Thưa ông, hoạt động quản lý, giáo dục, điều trị cai nghiện ma túy, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng... cho học viên nữ có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Nữ giới thường cẩn thận, ngăn nắp nên việc duy trì nền nếp sinh hoạt thường tốt hơn. Người cai nghiện là nữ không thuộc nhóm người có hành vi cực đoan và dễ bị kích động nên cũng ít xảy ra các hành vi mang tính kích động. Ý thức chấp hành nội quy, quy định của học viên nữ cũng tốt hơn…

Cùng với những yếu tố thuận lợi là những khó khăn không dễ khắc phục, nhất là với nhóm học viên dưới 18 tuổi. Do tuổi đời còn trẻ, nhận thức xã hội và suy nghĩ còn có phần hạn chế nên các hoạt động tư vấn tâm lý, định hướng hành vi chuẩn mực không dễ thực hiện. Một số trường hợp ít được gia đình quan tâm, quen với lối sống buông thả, ít kỹ năng sống, thiếu kỹ năng tự phục vụ bản thân, đòi hỏi phương pháp điều trị cần linh hoạt theo từng tình huống, áp dụng với từng trường hợp cụ thể…

Thời gian điều trị cai nghiện bắt buộc đối với học viên dưới 18 tuổi khá ngắn (6-12 tháng) nên khó áp dụng đồng bộ giải pháp, từ cắt cơn giải độc, điều trị phục hồi sức khỏe đến tổ chức học văn hóa, tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, trang bị kỹ năng hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, số trường hợp vào cơ sở cai nghiện ma túy không nhiều và không cùng thời điểm nên rất khó khăn trong việc tập trung mở các lớp dạy văn hóa tại cơ sở. Đội ngũ cán bộ, nhân viên không có chuyên môn sâu về giáo dục như các trường phổ thông…

- Vượt lên những khó khăn, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã quan tâm chăm sóc, điều trị toàn diện cho học viên nữ như thế nào, thưa ông?

- Ngoài các hoạt động chung, lực lượng cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội luôn chú ý đến tính cách, sở thích, hoàn cảnh gia đình của từng học viên để có sự tư vấn, trợ giúp cho phù hợp, góp phần bồi đắp niềm tin vào những điều tốt đẹp, giúp học viên nỗ lực bước qua con đường từng lầm lỡ.

Về hoạt động lao động trị liệu, học viên nữ được tạo điều kiện học các nghề phù hợp. Khoản thu nhập hằng tháng từ công việc lao động trị liệu do học viên tự quyết định sử dụng vào việc gì cho ý nghĩa, dưới sự quản lý của cán bộ, nhân viên.

Về đời sống, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội luôn quan tâm tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích, khuyến khích học viên tham gia. Nổi lên là các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm...

Nhờ điều trị trong môi trường tích cực, sức khỏe thể chất, tinh thần của học viên nữ chuyển biến tích cực. Thân nhân của học viên đều thấy hài lòng trước sự đổi thay của con, cháu họ. Hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện, có những học viên đã hòa nhập xã hội, đưa cuộc sống của họ bước sang trang mới.

- Theo ông, để nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập xã hội cho học viên nữ, các bên cần làm gì?

- Theo tôi, trước hết, bản thân người nghiện, người sử dụng ma túy và gia đình cần vượt qua rào cản tâm lý, định kiến về giới, chủ động đưa người nghiện đi điều trị cai nghiện càng sớm, càng tốt. Tiếp đến là công tác giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên nữ cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là với nhóm học viên dưới 18 tuổi. Đặc biệt, khâu hỗ trợ hòa nhập cộng đồng với học viên nữ cần tiếp tục nhận được sự quan tâm từ nhiều người, nhiều ngành, nhiều phía.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội: Hỗ trợ học viên nữ tìm lại chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.