Xã hội

Vì một cộng đồng “sạch” ma túy: Bài 3: Vẫn gặp khó trong cai nghiện bắt buộc

Phú Cường 24/06/2023 08:13

Đưa người sử dụng, người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc là giải pháp mạnh và quan trọng nhằm phục hồi sức khỏe cho đối tượng có tiếp xúc với ma túy, giảm tác hại đối với an ninh, an toàn cộng đồng, giảm tội phạm ma túy. Đây cũng là cơ hội để bản thân người nghiện ma túy làm lại cuộc đời. Thế nhưng, công tác cai nghiện bắt buộc vẫn gặp không ít khó khăn.

hoc-vien-lao-dong-tri-lieu-.jpg
Học viên lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Quy định chặt chẽ...

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, đối tượng đi cai nghiện bắt buộc thuộc 2 độ tuổi, từ 18 tuổi trở lên và từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Người nghiện, người sử dụng ma túy đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; người đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Trường hợp khác là người nghiện các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện, tự ý chấm dứt hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Ngoài ra, người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện cũng thuộc đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Điều kiện đưa người nghiện, người sử dụng ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gần giống với người từ 18 tuổi trở lên nhưng khắt khe hơn. Bởi các đối tượng chưa đủ tuổi công dân, nên cần bố, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp làm đại diện tham gia vào một số khâu, thủ tục, quy trình…

Sau hơn một năm triển khai cai nghiện ma túy theo luật mới, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đánh giá, quy định của luật khá chặt chẽ, quy trình đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc có sự tham gia của nhiều cơ quan, rõ vai trò của từng khâu, từng người, tạo sự đồng bộ, đồng thuận. Đặc biệt, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là điểm mới so với trước đây, giúp người trẻ vướng vào ma túy có cơ hội phục hồi về sức khỏe, điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn để tiếp tục học tập, trở thành người có ích.

Nhằm hiện thực hóa quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện. Theo đó, thành phố giao rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành chức năng, các địa phương; đồng thời đề ra những biện pháp, mục tiêu cụ thể theo từng năm, từng đợt cao điểm tấn công, triệt phá ma túy, đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện. Với hình thức cai nghiện ma túy bắt buộc, năm 2023, Hà Nội tập trung đưa ít nhất 1.200 người đi điều trị.

... Nhưng không dễ triển khai

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng như nhiều địa phương khác, thành phố Hà Nội vẫn gặp khó trong công tác cai nghiện ma túy bắt buộc; nhiều nơi còn lúng túng.

Quy trình đưa người đi cai nghiện bắt buộc cần trải qua các bước: Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thông báo về việc lập hồ sơ, chuyển hồ sơ đề nghị; xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị; cuối cùng là đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời gian thực hiện các bước nêu trên cần ít nhất hơn 10 ngày làm việc, nên cần có lực lượng theo dõi, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trước khi có quyết định cuối cùng...

Đối với người sử dụng, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, việc lập hồ sơ đưa nhóm đối tượng này đi điều trị cai nghiện bắt buộc còn khó khăn hơn so với nhóm đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên do cần có sự tham gia của nhiều người, nhiều khâu và thực hiện nhiều thủ tục hơn. Không chỉ khó ở khâu lập hồ sơ, mà khi đã đưa họ vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, thì việc điều trị cho nhóm đối tượng này cũng gặp không ít vướng mắc.

Với người lớn, do đa số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dài ngày, gây tổn thương nghiêm trọng về não bộ, nên việc điều trị phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp. Dù vậy, sức khỏe của một số người ít có sự chuyển biến rõ rệt, đồng nghĩa khả năng tái hòa nhập cộng đồng không cao.

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội Nguyễn Ái Học cho biết: “Có những trường hợp từ lúc vào đến khi kết thúc thời gian điều trị (tối thiểu là 12 tháng, tối đa là 24 tháng) vẫn phải nằm trong phòng điều trị, không thể tham gia lao động trị liệu và các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe thể chất, tâm thần. Việc phối hợp với các gia đình để đưa họ đi khám, xác định về sức khỏe tâm thần, từ đó có phương án điều trị phù hợp hơn càng không dễ thực hiện do nhiều đối tượng không có thân nhân”.

Với nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, thời hạn cai nghiện bắt buộc đối với họ khá ngắn (từ 6 tháng đến 12 tháng), khiến các cơ sở cai nghiện ma túy khó áp dụng đồng bộ giải pháp, từ cắt cơn giải độc, điều trị phục hồi sức khỏe đến tổ chức học văn hóa, tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, trang bị kỹ năng hòa nhập cộng đồng…

Dù đã rất cố gắng với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, nhưng thực tế cho thấy, việc tổ chức, triển khai cai nghiện ma túy bắt buộc chưa bao giờ là điều dễ dàng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì một cộng đồng “sạch” ma túy: Bài 3: Vẫn gặp khó trong cai nghiện bắt buộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.