(HNMO) – Trọn thời gian của phiên làm việc ngày 27/5 được Quốc hội dành để thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về sở hữu đất đai, quyền công dân, việc phân định quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và thành lập mới một số cơ quan.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Nhiều ý kiến tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” vào Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như tán thành việc giữ nguyên tên nước như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắm phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN |
Ngoài những điểm nhất trí với dự thảo, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các quy định về sở hữu đất đai, quyền công dân, việc phân định quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và thành lập mới một số cơ quan.
Tại đoàn Hải Phòng, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, các quyền cơ bản của công dân được quy định trong dự thảo Hiến pháp khá nhiều, tiến bộ, nhưng cụ thể quá, dễ dẫn tới nguy cơ không đủ, vì vậy, phải nâng tính bao quát, khái quát hơn nữa.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nhận xét, việc phân công quyền lực trong bộ máy - phần mấu chốt của các bản hiến pháp - có nhiều giá trị mới chưa được cập nhật, còn đi theo nhiều quan điểm xơ cứng trong thể chế bằng Hiến pháp, việc thể hiện tư tưởng về kiểm soát quyền lực không có gì đổi mới một cách căn bản. Theo ông, mô hình làm việc như hiện nay của Quốc hội, chính phủ và các cơ quan tư pháp cũng có nhiều điểm chưa ổn. Dẫn chứng, ông Vân cho biết, Quốc hội chưa có cơ quan nào thật sự được giao làm luật thường xuyên; mô hình chính phủ được cấu thành bởi các bộ trưởng, mà bộ trưởng làm việc ở bộ nhiều hơn là chính phủ nên khi bàn các việc của chính phủ thì rơi vào tình trạng thiếu tập trung; chưa giải quyết được dứt điểm sự phân định giữa các cơ quan tư pháp là toà án, viện kiểm sát, công an về quyền lực và bộ máy tổ chức...
Từ đó, đại biểu Vân cho rằng, Quốc hội cũng như chính phủ phải tăng tính chuyên trách. Ở tầng Quốc hội, có thể nâng tầm Ủy ban TVQH hoặc có thêm hội đồng lập pháp, tập trung tất cả các đại biểu chuyên trách, từ đó quanh năm hội đồng lập pháp làm luật và báo cáo QH, còn QH chỉ chọn vài luật trọng tâm để làm giữa 2 kỳ họp, như vậy mới đáp ứng được chu kỳ quay vòng của luật. Ở tầng chính phủ, nên giảm bớt thành viên chính phủ, điều hành tập trung hơn, các bộ trưởng phải trở về điều hành bộ máy chuyên môn. Ở các cơ quan tư pháp, cần phải phân biệt hành chính tư pháp (làm công việc quản lý về tư pháp) với các cơ quan viện kiểm sát và công an. Còn cơ quan giữ quyền tư pháp phải là toà án.
Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Đình Quyền cho rằng, lần sửa đổi Hiến pháp này là để hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, từ đó làm sâu sắc hơn nữa chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện ở phương diện chính thể, bộ máy nhà nước, quyền sở hữu, chủ quyền nhân dân.
“Hiến pháp phải giải mã cho được nguyên lý tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng phải có sự phân công rõ ràng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Mục tiêu quan trọng nhất là phân công thật rạch ròi và hợp lý, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước phải được kiểm soát”, đại biểu Quyền nói.
Về Hội đồng hiến pháp, theo đại biểu Quyền, ở nước ta, quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, vì thế không cần thiết chế này cũng như tòa án hiến pháp. Theo ông, những nội dung giao cho Hội đồng hiến pháp hiện đang giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số ủy ban của Quốc hội, giờ chỉ cần làm tốt hơn.
Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Ngọc Vinh -Hải Phòng băn khoăn, theo quy định như trong dự thảo, Hội đồng hiến pháp chỉ là cơ quan tham mưu, nếu thành lập có gây ra sự chồng chéo với một số cơ quan nhà nước, uỷ ban của QH hay không?
“Chúng ta rất cần một cơ quan bảo hiến độc lập nhưng phải rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó cố gắng thiết kế ở một số điểm có quyền phán quyết”, đại biểu Vinh đề xuất.
Không phản đối việc thành lập Hội đồng Hiến pháp vì “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực”, đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội cũng nhất trí, cần thiết kế chế định về trách nhiệm và quyền năng, nếu chỉ có quyền kiến nghị, sẽ không thể hiện được hiệu lực, hiệu quả của cơ quan này.
“Nếu Hội đồng hiến pháp không kiến nghị, chủ thể không thực hiện thì kiến nghị đến đâu?”, ông Hà nêu câu hỏi.
Đại biểu Trần Du Lịch – Tp Hồ Chí Minh cũng chung quan điểm, nếu lập cơ quan bảo hiến mà chỉ để kiểm tra các kiến nghị thì không nên, chỉ cần giao ủy ban tư pháp của Quốc hội là đủ.
Về sở hữu đất đai, theo đại biểu Thân Đức Nam - Đà Nẵng, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hợp lý. Bức xúc đất đai của dân hiện nay chủ yếu do khâu thu hồi đất, đền bù chưa thoả đáng. Vì vậy, dự thảo hiến pháp phải quy định chặt vấn đề này, các trường hợp thu hồi theo luật định phải được bồi thường công khai, minh bạch, công bằng theo luật định.
Các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TP. Hồ Chí Minh, Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa, Phạm Hồng Hương - Hải Dương cũng nhất trí, đất đai phải là sở hữu toàn dân, như vậy mới có điều kiện giữ gìn bờ cõi. Nhưng quản lý đất đai phải rõ ràng, minh bạch để hiến định, trên cơ sở đó để sửa đổi Luật đất đai, đặc biệt phải quan tâm đến các quy định về thu hồi đất.
“Trong hiến định phải nói rõ, nếu thu hồi thì cùng một dự án, địa bàn… mức đền bù phải ngang nhau, không được phân biệt đó là dự án công ích, an ninh quốc gia, quốc phòng, hay kinh tế thì giá khác. Nếu không làm tốt điều này thì khiếu kiện đất đai sẽ còn kéo dài”, đại biểu Tâm nói.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội trường trong 2 ngày 3 và 4/6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.