(HNM) - Từ 21h ngày 5-5, giá xăng tăng đồng loạt 1.950 đồng/lít gây bất ngờ cho nhiều người vì đây là mức tăng khá cao. Tính cả lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 11-3, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 3.600 đồng. Như vậy, trong ba tháng qua, người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp chịu sức ép khi hai mặt hàng đặc biệt quan trọng là xăng dầu và điện đều tăng giá ở mức cao.
Một lý do quen thuộc được các nhà quản lý đưa ra để giải thích cho việc tăng giá xăng là giá thế giới có xu hướng tăng nên giá trong nước buộc phải điều chỉnh theo. Một thông tin khác đáng lưu ý: Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam trưa 6-5, đại diện Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, lần tăng giá này chỉ áp dụng với mặt hàng xăng nên về cơ bản các doanh nghiệp vận tải đường biển, vận tải đường bộ chạy máy dầu diesel sẽ không ảnh hưởng…
Một lý do nữa được các nhà quản lý viện dẫn cho việc điều chỉnh tăng giá xăng là hướng doanh nghiệp và người dân vào việc sử dụng tiết kiệm mặt hàng này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lý do này chưa thấu đáo, bởi hiện tại tiêu dùng năng lượng của nước ta không cao. Các doanh nghiệp cũng đã tính toán đầu tư nhằm tiết kiệm nguyên liệu nên việc tăng giá xăng như hiện nay không tạo thêm động lực cho việc thay đổi công nghệ. Ngoài ra, để tiết kiệm năng lượng thì chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng, dầu phải đi tiên phong (đặc biệt là các chi nhánh phân phối trong việc chống hao hụt nhiên liệu trong quá trình vận chuyển…), trước khi kêu gọi người dân phải giảm thiểu sử dụng.
Giá xăng tăng (nguyên liệu đầu vào tăng) đương nhiên sẽ kéo theo nhiều vấn đề và theo đó luôn là câu hỏi: Làm thế nào để kiểm soát tình trạng "té nước theo mưa" ở tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác? Người dân, doanh nghiệp lo lắng vì năng lực việc kiểm soát tình trạng "ăn theo", "lách luật" của các cơ quan chức năng chưa được như mong muốn. Ví dụ trong năm 2014, giá xăng, dầu giảm kỷ lục nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước. Bộ GTVT buộc phải vào cuộc nhưng nhiều đơn vị vẫn viện đủ lý do và chỉ giảm giá cước theo kiểu nhỏ giọt… Với việc tăng giá xăng lần này, liệu câu chuyện "trên bảo dưới không nghe" có tái diễn?
Nền kinh tế nước ta vừa có dấu hiệu phục hồi trong năm 2014 (trong bối cảnh giá nhiên liệu xăng, dầu và điện chưa "dắt tay nhau" cùng tăng) nhưng sức mua chưa được cải thiện rõ rệt vì tích lũy trong dân đã ở ngưỡng tới hạn. Lượng hàng tồn kho vẫn là một trở lực chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn... Trong khi đó, bốn tháng đầu năm 2015, CPI của cả nước ở mức thấp, thậm chí tháng 1 và 2-2015 gần như không có tình trạng lạm phát… Thế nhưng, với việc điều chỉnh giá xăng và điện như vậy thì mọi chuyện có thể thay đổi.
Với những diễn biến trên thị trường hiện nay, trong 15 ngày tới, tức là ngày giá bán xăng, dầu có thể được điều chỉnh theo tinh thần của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu thì không lấy gì bảo đảm giá các mặt hàng sẽ tiếp tục dừng ở mức hiện nay.
Đó thực sự là điều đáng lo ngại!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.