(HNM) - Giá dầu thế giới liên tục giảm kể từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, do đó giá trong nước đã giảm xuống còn 15.440 đồng/lít với xăng RON 92 và 14.750 đồng/lít với xăng E5 (theo lần giảm gần nhất ngày 19-1).
Tính từ đầu năm, xăng trong nước đã hai lần giảm giá theo chu kỳ tính giá 15 ngày. Nếu tính cả năm 2015, giá xăng trong nước đã giảm 14 lần, tổng cộng khoảng 8.500 đồng/lít; trong đó, những chu kỳ điều chỉnh cuối năm, giá xăng liên tiếp giảm và không tăng.
Đương nhiên, giá xăng giảm, người tiêu dùng mừng, các ngành kinh tế có liên quan hưởng lợi nhờ chi phí đầu vào giảm. Tuy nhiên, có điểm chú ý là cùng với yêu cầu giảm giá bán lẻ, liên bộ Công thương - Tài chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích Quỹ bình ổn giá, theo đó các mặt hàng xăng pha khoáng và dầu ở mức 300 đồng/lít. Thực chất, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp Quỹ bình ổn giá thông qua doanh nghiệp bán lẻ. Nói cách khác, giá xăng vẫn còn dư địa để giảm thêm. Vấn đề đặt ra là, cuối năm 2015, đầu năm 2016, xăng liên tục giảm giá, có nghĩa, Quỹ bình ổn giá không phải sử dụng; ngược lại nó được tích lũy dần dần qua nhiều chu kỳ điều chỉnh giá. Và với đà giảm liên tiếp nhiều kỳ, Quỹ bình ổn ngày càng "phình" to, liệu đã đến lúc dừng trích lập? Chưa kể, một lần nữa, người tiêu dùng lại yêu cầu công khai, minh bạch việc sử dụng Quỹ này. Trong trường hợp không được trích bù giá như mục tiêu bình ổn thị trường thì được sử dụng vào việc gì? Đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ đã thu được bao nhiêu qua việc trích lập Quỹ?
Nên chăng, kỳ điều chỉnh giá sắp tới, cơ quan quản lý cân nhắc trên cơ sở số tiền Quỹ đã thu được, có thể cho ngừng trích lập Quỹ. Như vậy, giá xăng có dư địa giảm "sâu" hơn và người tiêu dùng cũng như các ngành kinh tế liên quan và xã hội được hưởng lợi nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.