(HNM) - Nông dân Việt Nam đã canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng nghìn năm nay, nhưng nước ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và các tổ chức chứng nhận đồng bộ cho sản xuất, giám sát chất lượng nông nghiệp hữu cơ. Việc thiếu hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này đang gây khó khăn cho sản xuất, chưa tạo được cơ hội để nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Cơ chế, chính sách hợp lý sẽ giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Anh Tuấn |
Còn thiếu cơ chế, chính sách
Hiện nước ta có 26 cơ sở sản xuất hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích hơn 4.100ha và 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ gồm: 1.197ha lúa, 90,3ha rau, 284,7ha nho và 79,4ha táo. Ông Lê Văn Hưng, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đánh giá: Sở dĩ sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn đối mặt với nhiều thách thức do cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ còn thiếu. Người tiêu dùng thiếu thông tin và chưa biết nhiều về nông nghiệp hữu cơ nên chưa hình thành được thị trường tiêu thụ tại chỗ, chưa khuyến khích được các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế, vì chưa có chính sách cho lĩnh vực này nên việc đề xuất, ban hành chính sách khuyến khích gặp khó khăn; ngoài ra chưa có sự thống nhất về triển khai tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như tại tỉnh Hòa Bình, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Tiệp, hiện nay tổng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ toàn tỉnh là 35ha, sản phẩm chủ yếu là các loại rau ăn lá, rau gia vị. Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng không đồng đều và sản phẩm bán ra với giá còn thấp. Sản xuất hữu cơ trên địa bàn chủ yếu do hộ gia đình thực hiện; việc ký hợp đồng, thu mua sản phẩm phụ thuộc doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; thời gian thu mua, số lượng, chủng loại rau quả cũng gây khó khăn cho các ngành chức năng khi kiểm soát về chất lượng; chi phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ tốn kém so với thu nhập của các hộ dân…
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: Là một đơn vị tiên phong chăn nuôi lợn hữu cơ của Hà Nội, nhưng do đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, trong khi chi phí sản xuất tương đối cao, nên trang trại vẫn chỉ nuôi ở dạng mô hình.
Từ góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng cho rằng chính doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đất để làm nông nghiệp hữu cơ vì đa số các vùng trồng trọt của nước ta nhiều năm qua đã quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Vì thế, không thể lập tức chuyển ngay sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà phải mất từ 1 đến 2 năm, thậm chí 3 năm mới có thể làm sạch, loại bỏ những chất gây hại trong đất. Các sản phẩm hữu cơ "tự xưng" xuất hiện tràn lan không có chứng nhận đúng tiêu chuẩn, trong khi nhận thức về nông sản hữu cơ của người tiêu dùng thấp, nên các sản phẩm hữu cơ uy tín khó cạnh tranh về giá và sản lượng.
Đánh giá cụ thể nhu cầu thị trường
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh bảo hộ cho nông nghiệp đang được coi là việc làm cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu này, theo ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết sinh thái Việt Nam thì các cấp, ngành nên quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh. Cùng với đó, quy hoạch các vùng chuyên canh, xen canh, định hướng nền sản xuất theo hướng giá trị cao, tiên tiến, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng hành lang pháp lý để được công nhận, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, bảo đảm sự minh bạch trong sản xuất.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Bộ NN&PTNT nên tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về kinh phí đầu tư, đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát đến sản phẩm.
Có thể thấy, để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi phải có lộ trình, nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nhu cầu thị trường, không thể "nhà nhà làm hữu cơ, người người làm hữu cơ", dẫn tới cung vượt cầu. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng và cụ thể hóa hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi về việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện TCVN1104:2015 và hướng dẫn triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp với TCVN1104:2015 đủ năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên chính sách đất đai, tín dụng, ban hành các chính sách đột phá thu hút đầu tư của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.