(HNM) - Với việc áp dụng lãi suất ưu đãi, người vay chỉ phải trả 0,4%/tháng, trong khi các ngân hàng thương mại áp lãi suất cho vay mua nhà lên tới hơn 1%/tháng.
Mặc dù thời gian qua các ngân hàng thương mại triển khai không ít chương trình cho vay đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và cá nhân mua nhà ở... nhưng mức lãi suất vẫn khá cao. Bởi vậy, việc sở hữu một căn hộ đối với nhiều người thu nhập thấp vẫn không dễ dàng. Sau nhiều gói cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội được triển khai, không ít người dân đang trông chờ những chương trình ưu đãi tiếp theo.
Được vay vốn lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ giúp nhiều gia đình thực hiện giấc mơ an cư. Trong ảnh: Nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm). |
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp và hộ nghèo trong đô thị luôn được quan tâm và là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia. Tuy nhiên so với kế hoạch, hiện tổng diện tích nhà ở xã hội mới đạt 3,8 triệu mét vuông trên 10 triệu mét vuông. Như vậy, thực tế cung cầu mất cân đối, nguồn cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng.
Tại Quyết định 355/QĐ-TTg, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 chỉ là 4,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay thông thường được áp dụng tại các ngân hàng thương mại. Với việc áp dụng lãi suất này, người vay chỉ phải trả 0,4%/tháng, trong khi các ngân hàng thương mại áp lãi suất cho vay mua nhà lên tới hơn 1%/tháng.
Đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Ngoài ra, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức... cũng được hưởng chính sách ưu đãi này.
Năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội được phân bổ 62 tỷ đồng; đã giải ngân cho 140 khách hàng ở 29 quận, huyện, thị với dư nợ 62 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao. Một số phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội có dư nợ cao là Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên. |
Anh Nguyễn Văn Duy, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đang thuê nhà ở thôn Yên Vinh (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) cho biết: Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng anh khoảng 14 triệu đồng. Nếu tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, vợ chồng anh tiết kiệm được khoảng 4-5 triệu/tháng nên để sở hữu một căn hộ nhỏ cũng được coi là "trong mơ". "Tuy nhiên, với chương trình vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đã có thể thực hiện được ước mơ sở hữu căn hộ, vì lãi suất khá thấp" - anh Nguyễn Văn Duy chia sẻ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh, Marketing, Truyền thông, Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là thông tin mà doanh nghiệp vô cùng mong chờ. "Sau khi gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng hết hạn, chúng tôi gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay dù có nhiều dự án. Quyết định 355/QĐ-TTg có hiệu lực chắc chắn không chỉ tạo điều kiện, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp mà còn hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà" - ông Trần Như Trung bày tỏ.
Song, câu hỏi được không ít đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội đặt ra là việc tiếp cận mua nhà có dễ dàng? Trên thực tế, trước đây đã có những gói cho vay lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, nhưng để đến được tay người có nhu cầu lại không đơn giản, do nguồn vốn hạn chế, thủ tục vay khá phức tạp.
Giải đáp vấn đề này, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, năm 2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố được giao kế hoạch bổ sung thêm 60 tỷ đồng. UBND thành phố có quyết định phân bổ cho 30 quận, huyện thị xã từ ngày 11-3-2019. Ngoài nguồn vốn được giao, Ngân hàng cũng phối hợp với các cơ quan liên quan huy động các nguồn khác để hỗ trợ người dân vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Hết tháng 3-2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân 3,9 tỷ đồng cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Phạm Văn Quyết, để hỗ trợ người dân, Ngân hàng đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chương trình cho vay ưu đãi mua nhà xã hội và hướng dẫn các thủ tục cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.