Bất động sản

Mua nhà đất trên giấy hoặc quy hoạch treo: Sai một ly đi vạn dặm

Kim Vũ 05/07/2024 - 06:27

Gần đây, Báo Hànộimới nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc về tình trạng giao dịch mua đất trên giấy tờ nhưng không đúng với quy hoạch được duyệt.

Khi người mua tiến hành làm thủ tục xây dựng nhà ở thì mới phát hiện ra điều này. Bên cạnh đó, việc cố tình mua đất thuộc diện quy hoạch "treo" cũng mang lại nhiều bài học cay đắng cho người dân.

mot-so-cong-trinh-lien-ke-d.jpg
Một số công trình nhà liền kề được xây dựng trên khu đất quy hoạch đất biệt thự tại dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Ảnh: Hồng Khanh

Cẩn thận mất tiền oan

Phản ánh đến Báo Hànộimới, bạn đọc Trần Thị Xuân H. (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, tháng 5-2019, thông qua Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (huyện Thanh Oai), bà H. được giới thiệu chi tiết về lô đất liền kề B2.1 LK4 ô số 35, có trên bản vẽ của chủ đầu tư. Nhân viên dẫn đi xem thực tế lô đất thì có một số nhà gần đó đã xây dựng, về sinh sống. Do đó, bà H. đã tin tưởng, tiến hành ký thỏa thuận đặt cọc 80% (trên 1,2 tỷ đồng), thậm chí trả tiền chênh trên 1,8 tỷ đồng, tổng số tiền là trên 3 tỷ đồng.

Công ty Cienco 5 trực tiếp làm thủ tục ký thỏa thuận đặt cọc, đơn đăng ký nguyện vọng, phiếu thu nộp tiền… ghi rõ số lô đất kèm theo bản vẽ lô LK4 B2.1 có đóng dấu công ty. Năm 2022, sau khi tìm hiểu, bà H. được biết lô đất liền kề mà bà đặt cọc không có trong Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 15-7-2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, tỷ lệ 1/500.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Ngọc T., Vũ Đức T., Nguyễn Văn Kh., bà Vũ Thị Th., Nguyễn Thị H., đang đứng ngồi không yên khi biết lô liền kề mà họ đặt cọc cho công ty cũng không hề có trong Quyết định số 3229/QĐ-UBND, thay vào đó, chỉ có phần đất biệt thự B2.1.

Ngoài thiệt thòi khi mua đất trên giấy mà không đối chiếu với quy hoạch đã được phê duyệt, nhiều người dân cũng gặp bất lợi khi mua phải đất thuộc dự án quy hoạch treo. Chẳng hạn, trường hợp bà Nguyễn Thị H., năm 2018 đã mua lại ngôi nhà nhỏ tại tổ dân phố số 9, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) dù biết nơi đây thuộc quy hoạch Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình từ nhiều năm nay. Vì nhu cầu, bà H. liều mua nhưng sau khi dọn về ở vài năm, nhà hỏng thì không thể sửa chữa vì không xin được giấy phép.

Tương tự, anh Lê Đức Th., mua nhà tại ngõ 252 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), cũng sống trong mệt mỏi khi nhà của anh trong Dự án xây dựng đường Phạm Hùng - Lê Đức Thọ, đang thuộc diện chậm triển khai.

Không tỉnh táo, gặp rủi ro

Trao đổi với phóng viên ngày 2-7, ông Nguyễn Xuân Bính, Thư ký Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 - đại diện công ty khẳng định, phía công ty chỉ ký thỏa thuận đặt cọc với người dân chứ không phải là hợp đồng mua bán đất. Hiện nay, các phần đất mà người dân đặt cọc với công ty chưa được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch theo đề nghị của công ty nên công ty chưa thông báo khách hàng đến ký hợp đồng mua bán.

Cụ thể, tháng 2-2018, công ty có tờ trình gửi UBND thành phố đề nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, tỷ lệ 1/500, trong đó đề xuất khu B2.1 và A3.1 là đất liền kề. Nội dung đề nghị điều chỉnh này đã được niêm yết công khai, xin ý kiến cộng đồng dân cư xã Cự Khê.

Từ đó đến nay, sau 6 năm, tờ trình này vẫn chưa được UBND thành phố phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc các khách hàng đã ký thỏa thuận đặt cọc với công ty vẫn phải đợi khi có phê duyệt mới được ký hợp đồng mua bán và sử dụng diện tích đất của mình. Trong trường hợp UBND thành phố không phê duyệt tờ trình nêu trên, theo ông Bính, công ty sẽ trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng và hỗ trợ số tiền tương tự số tiền đặt cọc cho người dân.

Như vậy, đối với việc mua nhà đất trên giấy, nếu khách hàng không tỉnh táo tìm hiểu kỹ các quyết định, phê duyệt quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền thì rủi ro gặp phải là không nhỏ. Như trường hợp này, các lô đất liền kề mà hai bên ký thỏa thuận đặt cọc lại không có trong quy hoạch UBND thành phố đã phê duyệt. Khi khách hàng phát hiện ra thì chủ đầu tư lại trả lời đó chỉ là ký thỏa thuận đặt cọc - hình thức bảo đảm giao kết trong tương lai sau khi quy hoạch được duyệt, chứ không phải là giao dịch mua bán.

Do đó, những rủi ro mà khách hàng gặp phải là rất lớn khi số tiền bỏ ra trong giai đoạn ký thỏa thuận đặt cọc với chủ đầu tư có giá trị khác xa so với 5-7 năm sau. Điều đáng nói hơn nữa là việc giới thiệu một đằng, nhưng thực tế một nẻo sẽ gây ra hiểu lầm bị đánh đổi bằng tiền, mồ hôi nước mắt.

Còn với nhà, đất ở thuộc diện quy hoạch "treo" như Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình và Dự án xây dựng tuyến đường nối Phạm Hùng - Lê Đức Thọ, chính quyền các cấp đang nỗ lực giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp phù hợp để sớm gỡ nút thắt. Tuy nhiên, bài học nhãn tiền từ việc dù biết quy hoạch "treo" nhưng vẫn cố tình mua, để rồi gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thậm chí không thể giao dịch mua bán, lúc đó ân hận thì không lấy lại được. Cũng như việc tự tin đầu tư tiền mua đất không có trong quy hoạch, khi biết “sai một ly đi vạn dặm” thì đã quá muộn màng. Hiện tượng này không phải là hiếm trong thực tế nên người dân cần tỉnh táo để không hối tiếc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua nhà đất trên giấy hoặc quy hoạch treo: Sai một ly đi vạn dặm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.