Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội mới của Mỹ và EU

Thùy Dương| 14/07/2013 05:39

(HNM) - Vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã kết thúc (ngày 12-7) sau một tuần đầy nỗ lực tại Washington D.C.



Nội dung vòng đàm phán đầu tiên Mỹ - EU là thống nhất phạm vi và quy mô các vấn đề sẽ bước vào đàm phán. Được Mỹ và Lục địa già "thai nghén" hơn 10 năm, cả hai đều tham vọng rằng TTIP không chỉ dừng lại như một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mà còn thể hiện "sự đồng tâm hợp lực" Mỹ - EU để tiếp tục khẳng định vị thế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc nói riêng và nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) nói chung. Tại vòng đàm phán đầu tiên, đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định TTIP sẽ mang lại cơ hội phát triển vượt bậc cho nền kinh tế Mỹ và EU, trong khi Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht tin tưởng TTIP sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho các nước Châu Âu, giúp Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) thoát khỏi khủng hoảng. Cả hai bên cùng cho rằng, thỏa thuận thương mại xuyên Ðại Tây Dương hứa hẹn đem lại lợi ích đáng kể cho hệ thống thương mại toàn cầu đang trì trệ.

Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) thành hiện thực sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm mới.


Quan hệ kinh tế Mỹ - EU được đánh giá là lớn nhất thế giới và cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Kinh tế Mỹ - EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Mỹ là đối tác buôn bán lớn nhất của Châu Âu. Năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều Mỹ - Châu Âu đạt 449 tỷ euro nhưng chỉ một năm sau, đã tăng lên 646 tỷ euro. Năm 2012, dòng vốn trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương đạt 1.000 tỷ USD. Vì vậy, nếu đàm phán thành công, lợi ích do TTIP mang lại cho Mỹ và EU là rất thiết thực. Mỗi năm TTIP có thể giúp tăng thêm từ 0,5 đến 1% GDP cho cả hai bên, tạo hàng triệu việc làm mới. Theo tính toán, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro/năm, nhiều hơn con số 95 tỷ euro mà Mỹ có thể thu về hằng năm. Ngoài ra, nhiều ngành cũng được hưởng lợi từ TTIP như các hãng sản xuất xe hơi Châu Âu tại thị trường Mỹ, giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí gas từ Nga trong tương lai, nhiều loại thuế quan và rào cản phi thuế quan sẽ được loại bỏ... Rõ ràng, không quá khó để lý giải hai đối tác Mỹ và EU đều mong muốn thúc đẩy TTIP. Đây sẽ là một công cụ căn bản để tạo đà tăng trưởng cho hai nền kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh Châu Âu bị các "mắt xích yếu" tại Eurozone cuốn vào vòng xoáy nợ công, trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - vẫn phục hồi khá mong manh sau "bão" tài chính. Với các lợi ích quá rõ ràng, việc Mỹ và EU khởi động TTIP là tất yếu và điều này sẽ tác động đến hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, giữa EU và Mỹ cũng tồn tại quá nhiều bất đồng về chương trình đàm phán khiến ngay cả những nhà đàm phán lạc quan nhất cũng phải nghi ngại. Trước hết, do các biểu thuế giữa Mỹ và EU tương đối thấp nên phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán sẽ là giảm bớt các quy định và các hàng rào phi chính thức đang ngăn cản hoạt động thương mại từ nông nghiệp đến hóa chất, ô tô hay tài chính... Hơn nữa, lĩnh vực văn hóa được coi là rào cản lớn nhất với TTIP cho hai "đối thủ" trước thềm đàm phán khi Pháp khẳng định sẽ sử dụng mọi quyền lực để phủ quyết điều khoản thỏa thuận về lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn. Trong khi đó, tự do buôn bán các sản phẩm văn hóa lại là một nội dung mà người Mỹ muốn có trong chương trình nghị sự. Không những thế, cuộc khủng hoảng nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) chưa có hồi kết khiến các cuộc đàm phán có nguy cơ gặp nhiều khó khăn. Tuy Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng đàm phán TTIP với Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi những điệp vụ nghe lén và các bên cần làm rõ sự việc này để bảo đảm các cuộc đàm phán thành công. Nhưng đây vẫn là vụ việc được dự báo sẽ tạo vết gợn trong quan hệ Mỹ - EU.

Mỹ và EU phải mất nhiều năm để "thai nghén" ý tưởng chung về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Do đó, cả hai đều muốn gác lại những bất đồng để thúc đẩy một tiến trình thương mại mới xuyên đại dương đầy tham vọng. Dự kiến, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 7-10 tới nhằm đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2014. Trong bối cảnh vòng đàm phán tự do thương mại Doha vẫn bế tắc, Mỹ và EU còn kỳ vọng TTIP sẽ là nền móng cho một hệ thống thương mại toàn cầu mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mới của Mỹ và EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.