(HNM) - Hơn một tuần qua kể từ khi TP Hà Nội chính thức áp dụng quy định mới về giá trông giữ phương tiện, tại nhiều điểm trông giữ xe trong khu vực nội thành, lượng phương tiện giảm đi rõ rệt.
Điểm trông giữ xe vắng... xe
Từ hai năm nay, kể từ khi cơ quan chuyển trụ sở về khu vực phố cổ, chị Nguyễn Thanh Huyền (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa) chọn cách đến cơ quan bằng ô tô riêng. Điểm gửi xe chị Huyền chọn nằm trên phố Lý Thái Tổ, cách cơ quan gần 1km, với mức phí trông giữ ban ngày khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2018, mức phí trông giữ xe chị Huyền phải trả tăng vọt lên 2,2 triệu đồng/tháng. Theo chị Huyền, do mức phí trông giữ quá cao so với thu nhập, chị đành chọn cách di chuyển bằng xe máy hoặc loại hình taxi công nghệ như Grab hoặc Uber.
Việc hạn chế phương tiện cá nhân góp phần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh: Anh Tuấn |
Tương tự chị Huyền, mỗi ngày chị Nguyễn Thanh Hằng (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) phải vượt quãng đường cả chục kilômét để đi làm và đưa hai con nhỏ đi học. Sau khi phí trông giữ xe tăng vọt, chị buộc phải dùng taxi công nghệ làm phương tiện đi lại. Đây cũng là cách mà nhiều chủ phương tiện ô tô lựa chọn sau khi mức phí trông giữ phương tiện mới được áp dụng tại Hà Nội.
Dạo qua hàng loạt điểm trông giữ xe ô tô trên các tuyến phố Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Đinh Lễ, Quang Trung,… dễ dàng thấy tình trạng đìu hiu khác hẳn so với thời gian trước. Nếu như trước đây, các điểm trông giữ tại các tuyến phố trung tâm này luôn kín chỗ, khách phải vất vả lắm mới có được một vé gửi xe, thì nay cả đoạn vỉa hè dài hàng trăm mét chỉ lèo tèo vài chiếc xe ô tô.
Một nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trên phố Trần Quang Khải cho biết: “Trước đây, phí gửi xe ô tô ban ngày (từ 8h đến 18h) tại bãi là 1,2 triệu đồng/xe/tháng; phí trông giữ ngày - đêm là 1,5 triệu đồng/xe/tháng; trông giữ theo giờ là 30.000 đồng/2 giờ/xe nên điểm gửi xe này luôn trong tình trạng kín chỗ. Nhưng kể từ khi mức phí tăng theo quy định mới là 2 triệu đồng/xe/tháng đối với xe gửi ban ngày; 3,2 triệu đồng/xe/tháng với xe gửi ngày - đêm; mức phí trông giữ xe theo giờ cũng tăng lên 50.000 đồng/2 giờ đầu và tăng lũy tiến lên mức 35.000 đồng từ giờ thứ 3 và thứ 4, từ giờ thứ 5 trở đi, mức phí sẽ là 45.000 đồng/giờ… thì lượng xe ký hợp đồng giảm hẳn. Khách vãng lai nếu cần kíp phải gửi xe vào bãi cũng lấy rất nhanh. Nhiều khách hàng cũ của chúng tôi đã chọn các bãi trông giữ xe tư nhân, kể cả chấp nhận đi xa hơn để giảm chi phí…”.
Cơ hội cho vận tải công cộng
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có trên 5 triệu xe máy, 500.000 xe ô tô các loại; hơn 1,2 triệu xe đạp và khoảng 11.000 xe đạp điện, xe máy điện. Chưa kể một lượng lớn xe ngoại tỉnh hoạt động tại thành phố mỗi ngày. Lượng phương tiện tăng nhanh, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ, ước đạt khoảng gần 4%/năm. Diện tích đất dành cho giao thông cũng ở mức quá thấp, chỉ đạt gần 9% đất xây dựng đô thị; và mới đáp ứng được từ 8 đến 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Tất cả yếu tố trên tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông, khiến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
Trước thực trạng đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực nội thành, khuyến khích người dân sử dụng các loại hình vận tải công cộng được xem là biện pháp cần thiết và cấp bách để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tăng phí trông giữ phương tiện cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm lập lại trật tự giao thông tại các tuyến hè, phố; tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, tăng nguồn thu ngân sách và khuyến khích người dân sử dụng loại hình vận tải công cộng.
Trên thực tế, hơn một tuần từ khi thành phố áp dụng quy định mới về phí trông giữ phương tiện, lượng xe ô tô tại các điểm trông giữ khu vực nội thành đã giảm đi trông thấy. Nhiều tuyến phố thoáng đãng, lòng đường, vỉa hè dường như rộng rãi hơn… Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại khi số người sử dụng phương tiện cá nhân tuy giảm, song lượng khách hàng sử dụng dịch vụ taxi công nghệ lại tăng đột biến. Điều này đồng nghĩa với việc, mục tiêu giảm ùn tắc giao thông sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Mặt khác, việc tăng mức giá trông giữ khiến một lượng xe không nhỏ “chạy” từ các điểm trông giữ xe của doanh nghiệp nhà nước đã được cấp phép sang các bến, bãi trông giữ xe tự phát của tư nhân, gây thất thu ngân sách đáng kể. Vì vậy, để đánh giá chính xác tính hiệu quả của loại hình vận tải công cộng sau tác động từ việc tăng phí trông giữ phương tiện phải cần có thêm thời gian.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đây chính là cơ hội tốt để ngành Vận tải Thủ đô tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để họ hiểu và thực hiện. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng không gian công cộng, xây dựng thêm các bãi đỗ xe tĩnh thông qua hình thức xã hội hóa; sớm đưa vào vận hành, khai thác đường xe điện trên cao…
Dự kiến, từ nay đến năm 2020, các phương tiện giao thông cá nhân sẽ chịu thêm nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ cả về hành chính và kinh tế, vì vậy, sử dụng phương tiện vận tải công cộng chính là giải pháp hiệu quả để chống ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí, thời gian và bảo đảm an toàn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.