(HNM) - Theo thống kê, trung bình mỗi tuyến cáp quang biển gặp sự cố 1 lần/năm. Sự cố trên tuyến AAG (Asia America Gateway) mới đây lại “rơi” vào lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội, nhu cầu sử dụng ứng dụng trực tuyến gia tăng nên gây ra không ít phiền toái với người dùng. Song qua đây cũng cho thấy cơ hội để phát triển ứng dụng trực tuyến trong nước.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sự cố trên tuyến AAG khiến các nhà mạng trong nước bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế. Trong đó Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bị mất 1.140Gb; Tập đoàn FPT bị mất 550Gb; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bị mất 370Gb.
Chị Nguyễn Ngọc Trâm (ngõ 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, từ khi tuyến cáp này gặp sự cố, việc truy cập các ứng dụng trực tuyến của nước ngoài thường xuyên bị “treo” nhất là vào buổi tối. Cùng ý kiến này, anh Nguyễn Anh Quân (nhà CT10A, Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) đề nghị, các nhà mạng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ như cam kết, thay vì tăng thêm dung lượng khuyến mãi mà khách hàng không truy cập được.
Ngay sau khi xảy ra sự cố trên tuyến AAG, một số nhà mạng bị ảnh hưởng đã định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp quang biển và cáp quang trên đất liền khác. Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, ngoài giải pháp san tải lưu lượng sang các tuyến cáp quang khác để bảo đảm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, VNPT đã có phương án cùng với đối tác nước ngoài đầu tư thêm tuyến cáp quang mới.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, sự cố trên tuyến AAG xảy ra, người dân khi dùng ứng dụng của các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube sẽ bị khó khăn. Tuy nhiên, các ứng dụng trực tuyến do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ không bị ảnh hưởng vì đặt máy chủ và “chạy” trên cáp quang trong nước.
Thực tế, trong thời gian qua, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, FPT đã đưa ra các giải pháp, ứng dụng trực tuyến để phục vụ khách hàng làm việc, học tập từ xa, tại nhà trong thời gian chống dịch Covid-19 và thực hiện cách ly xã hội. Trong đó phải kể đến VNPT với giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến (VNPT-Meeting) phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp. Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone), VNPT đã kết nối 80 phòng họp từ Văn phòng Chính phủ tới 28 điểm cầu là các bộ, ngành, địa phương; cũng như đã triển khai giải pháp này tới hàng nghìn khách hàng là cơ quan, doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Lê Hà, Trưởng phòng Marketing Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, đã triển khai 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến để Bộ Y tế thiết lập hệ thống cầu truyền hình với 23 bệnh viện lớn. Đặc biệt, Viettel cũng vừa triển khai cầu truyền hình trực tuyến phục vụ hội nghị ASEAN 3 trong các ngày 8 và 9-4 vừa qua.
Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng nhận xét, có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới, cho thấy năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất lớn. Dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển ứng dụng trực tuyến và người dùng trải nghiệm ứng dụng do doanh nghiệp trong nước phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.