(HNM) - Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị
Đây là hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước hai bờ Thái Bình Dương, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Mexico, Chile, Canada, Peru, New Zealand, Australia, Malaysia, Brunei, Singapore, Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, hiệp định đã trải qua 19 vòng đàm phán, dự kiến được thông qua vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Được đánh giá là hiệp định thương mại tự do toàn diện hơn nhiều so với những mô hình thương mại tự do khác, TPP hướng đến mục tiêu xóa bỏ hạn chế thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Xây dựng quy chuẩn chung với các tiêu chuẩn về chính sách cạnh tranh, đầu tư, lao động, mua sắm công, bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách điều tiết của Chính phủ một cách hợp lý, nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư giữa các nước. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD.
Hàng dệt may Việt Nam vẫn là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu. Ảnh: Linh Ngọc |
Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia vào TPP là nhằm mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu (XK); thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP đem lại; hỗ trợ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang tiến hành, đồng thời hướng đến một mô hình tăng trưởng mới bền vững và hiệu quả hơn. Từ tháng 11-2010, Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định TPP, gồm 9 nước: Australia, New Zealand, Chile, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia, Mỹ và Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 vòng đàm phán với nhiều cam kết về thuế suất và các điều kiện khác khi DN trao đổi thương mại và đầu tư. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng GDP Việt Nam trong những năm tới, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, đồng thời đề ra các chuẩn mực cho thương mại và đầu tư trong tương lai. Với lợi thế về xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa các nước trong TPP, hiệp định này sẽ là cơ hội cho các mặt hàng XK của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác. Đồng thời, việc giảm thuế quan cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam, tạo nên môi trường kinh doanh cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn. Đây vừa là động lực, vừa là sức ép với các DN và nền kinh tế phải tự điều chỉnh, hoàn thiện mình.
Đại diện các DN đều cho rằng, tham gia TPP là cơ hội để hàng hóa XK của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP, nhất là thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trong số các sản phẩm XK vào thị trường này, dệt may và da giày là hai lĩnh vực chiếm giá trị hàng đầu. Nếu TPP được ký kết, hai ngành hàng XK này của Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc miễn, giảm thuế. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ… của DN Việt Nam cũng có thể tận dụng để khai thác thêm lợi thế khi tham gia thị trường TPP. Tuy nhiên, khi tham gia TPP, các DN nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Tham gia TPP là tiếp cận sâu, rộng và toàn diện hơn với thị trường quốc tế, vì vậy sẽ gây sức ép lớn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, TPP cũng yêu cầu các nước phải chứng minh được xuất xứ của các mặt hàng XK phi nông nghiệp đến từ các nước thuộc TPP để có thể hưởng được thuế quan ưu đãi. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong giá trị sản phẩm của nhiều ngành XK của nước ta lại được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc… những nước nằm ngoài TPP.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2013, sẽ hoàn tất các vòng đàm phán của Hiệp định TPP. Vì vậy, các DN trong nước phải chuẩn bị để đón nhận cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại này. Ông Phan Tiến Bình, Phó Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc đánh giá những thuận lợi, thách thức của Hiệp định TPP đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh những vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị từ các DN. Từ đó, thành phố có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ DN, đưa ra những chính sách quản lý cũng như định hướng phát triển sản xuất - kinh doanh và XK phù hợp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.