(HNM) - Về việc giá sữa bột dành cho trẻ em liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, liệu có vi phạm pháp luật hiện hành hay không, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra cuối tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm.
Là một trong những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn, phải kê khai, đăng ký khi điều chỉnh giá bán, nên trách nhiệm quản lý giá và chất lượng sữa hiện có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thế nhưng, những bất cập mang tên "giá sữa" vẫn liên tục xuất hiện. Giá sữa vẫn đều đặn tăng, người tiêu dùng vẫn phải mua sữa với giá cao.
Người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi khi giá sữa tăng cao. Ảnh: Như Ý |
Chưa giải trình vẫn tăng giá
Theo thông tin tại Trang tin chính thức của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 4 doanh nghiệp (DN) sữa bột gồm: Công ty TNHH Mead Jonhson Nutitrion (Việt Nam), Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty Nestle Việt Nam và Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã thực hiện kê khai tên sản phẩm và mức điều chỉnh giá bán. Thời điểm điều chỉnh giá bán của các DN sớm nhất từ cuối tháng 12-2013 và chậm nhất là ngày 25-2-2014.
Mặc dù các DN đã thực hiện kê khai giá sữa theo quy định, song ngay sau khi nhận được mức giá điều chỉnh của DN, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Nestle Việt Nam, nhà phân phối sữa bột Nan, giải trình lý do tăng giá. Bởi nguyên nhân điều chỉnh tăng giá sữa do lạm phát tăng, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển và giá nhập khẩu mà DN đưa ra là chưa thỏa đáng. Cục Quản lý giá đề nghị Nestle tiếp tục rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành, thực hiện triệt để biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, lưu thông và không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Công ty cũng phải giải trình đối với từng sản phẩm trên cơ sở yếu tố chi phí đầu vào tăng như giá vốn nhập khẩu, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý DN và thời điểm tăng chi phí đầu vào tác động làm giá bán sản phẩm tăng. Cục cũng yêu cầu Nestle cung cấp hồ sơ, chứng từ những loại chi phí đầu vào tăng (trước và sau khi điều chỉnh giá). Khi DN chưa giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu, Cục Quản lý giá đề nghị bán sữa bột theo mức trước khi kê khai. Thế nhưng, trên thực tế, công ty Nestle đã tăng giá sữa từ ngày 31-1.
Trước thực tế một số DN tự ý tăng giá sữa khi chưa giải trình theo quy định, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, ngay sau khi có những dấu hiệu vi phạm về việc tăng giá của DN, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về giá và về thuế của các DN vi phạm. Sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với Cục Quản lý giá tiến hành thanh tra, kiểm tra 4 DN sữa nêu trên trong tuần này.
Thực tế những bất cập liên quan đến giá sữa bột đã diễn ra nhiều năm nay. Số lượng DN kinh doanh sữa bột trên thị trường không nhiều, trong khi những bộ, ngành chức năng có liên quan đến việc quản lý mặt hàng này lại khá đông. Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao những bất cập liên quan đến giá sữa chưa được xử lý nghiêm và triệt để, vì sao người tiêu dùng luôn phải chờ đợi và chịu thiệt thòi khi giá sữa liên tục tăng dù lý do tăng giá mà DN đưa ra không phải lúc nào cũng đủ sức thuyết phục.
Có sự thỏa thuận về giá bán
Trước tình trạng nhiều hãng sữa lớn tại Việt Nam đồng loạt tăng giá sữa bột, câu hỏi về việc liệu có hay không hành vi thao túng giá sữa lại một lần nữa được đặt ra. Tại Trung Quốc, mới đây 5 DN kinh doanh sữa tên tuổi gồm: Mead Johnson, Abbott, Dumex, Friesland, Fonterra và Biostime (Trung Quốc) đã bị chính quyền nước này phạt 108 triệu USD vì hành vi thao túng giá sữa. Theo thông tin của hãng thông tấn AFP, quyết định xử phạt này được đưa ra sau khi Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) đưa ra yêu cầu điều tra sau 5 tháng. Đây cũng là án phạt kỷ lục trong cuộc chiến chống độc quyền tại Trung Quốc. NDRC cho biết, các hãng sữa nêu trên đã ấn định giá tối thiểu với nhà phân phối và phạt các đại lý nếu bán sai giá. Hành động của các hãng sữa này đã làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường và duy trì giá sữa bột ở mức cao một cách vô lý; đồng thời làm suy yếu tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và làm tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.
Nhận xét về việc các DN sữa tại Việt Nam đồng loạt tăng giá bán khi chưa có sự đồng thuận của cơ quan quản lý giá, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không loại trừ có một sự thỏa thuận về giá bán, hay sự lạm dụng vị thế trên thị trường để nâng giá bán lẻ. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, phải dựa vào kết quả thanh tra của cơ quan chức năng với những chứng cứ rõ ràng thì mới có thể khiến DN "tâm phục, khẩu phục". Các cuộc thanh tra này cần thực hiện khẩn trương, với sự phối hợp chặt chẽ của những bộ, ngành liên quan mà ở đây là Bộ Tài chính và Công thương. Những hành động quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời của cơ quan quản lý sẽ giúp DN giảm thiểu hành vi sai phạm và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ một cách hữu hiệu.
Dư luận đang chờ kết luận thanh tra của cơ quan quản lý về việc có hay không những vi phạm pháp luật về giá. Sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của cơ quan quản lý là mong mỏi hiện nay của hàng triệu người tiêu dùng đang sử dụng sữa bột bởi trước khi có kết luận, họ vẫn phải mua sữa với giá cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.