Một ngày trước Đại hội cổ đông thành lập công ty VPF, những vấn đề về nhân sự và thay đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngày mai 29/11, Đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần quản lý bóng đá chuyên nghiệp VPF sẽ diễn ra tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam tại Hà Nội với sự góp mặt của đại diện VFF, các CLB V-League và hạng Nhất.
Thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 26 càng làm người hâm mộ trông chờ vào sự ra đời của VPF. |
Đây là cuộc họp được dư luận chờ đợi có tính quyết định cho việc thành lập mô hình công ty quản lý bóng đá lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Các cổ đông gồm đại diện các CLB V-League, hạng Nhất và VFF sẽ cùng ký vào điều lệ thành lập công ty, đồng thời thảo luận và thống nhất những đề nghị thay đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được ban trù bị Đại hội đề ra trong cuộc họp ngày 22/11.
Những thay đổi này là: hạn chế cầu thủ ngoại còn 3 người ở mỗi CLB V-League, loại hoàn toàn cầu thủ ngoại khỏi giải hạng Nhất, mở rộng cánh cửa với các cầu thủ ngoại kiều và có quy chế với việc khen thưởng sẽ được phổ biến và lấy ý kiến thống nhất, cũng như cam kết thực hiện từ các CLB.
Ông Phạm Ngọc Viễn, người đã viết đề án bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cách đây 10 năm, cho biết: “Việc giảm lượng cầu thủ ngoại tham dự V-League là rất cần thiết. Theo đề án xây dựng bóng đá chuyên nghiệp mà tôi đã viết trước đây, thì giai đoạn từ năm 2008-2010 là thời điểm bắt đầu giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu ở giải V-League”.
Đây cũng chính là vấn đề mà sau trận Việt Nam thua Indonesia ở bán kết SEA Games 26, trong cuộc trao đổi với phóng viên về những giải pháp của bóng đá Việt Nam nhằm ứng phó với những thay đổi về tương quan lực lượng cũng như trình độ của bóng đá khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng chạm đến khi thổ lộ: “Về giải pháp thì chúng tôi đã đề ra mấy năm nay, nhưng khi thực hiện lại vướng thực tế”.
Thực tế đã đi ngược lại quy trình mà VFF đã đề ra với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn theo quy hoạch đáng ra phải giảm dần lượng cầu thủ ngoại, thì ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện xu hướng ngày càng mạnh việc nhập tịch để “phù phép” biến ngoại binh thành nội binh hợp pháp.
Lượng cầu thủ ngoại được thu hút tới V-League giai đoạn đầu nhằm mục tiêu tạo thành đầu tàu kéo chất lượng nội binh đi lên, sau đó cần được tiết giảm dần khi hết vai trò tiên phong. Nhưng trong thực tế, xu hướng dùng cầu thủ ngoại phát triển theo một chiều, ngày càng mở rộng theo mong muốn của các ông bầu và lấn lướt hết chỗ của các cầu thủ trẻ trong nước. Đến SEA Games 26, Việt Nam tụ hội những cầu thủ xuất sắc nhất ở nhóm tuổi U23 dự SEA Games mới giật mình vì chỉ có vài người được cọ xát ở V-League, còn lại đều chơi ở giải hạng Nhất, hoặc thậm chí nằm ở đội ba của các CLB.
Theo lộ trình, giai đoạn 2008-2010 cần giảm cầu thủ ngoại thì đây lại lúc ngoại binh ồ ạt tấn công V-League, loại cầu thủ trẻ ra khỏi sân chơi chất lượng nhất của quốc gia.
Ông Phạm Ngọc Viễn được đề cử cho vị trí CEO của VPF. |
Để giảm được lượng cầu thủ ngoại ở V-League, theo ông Phạm Ngọc Viễn cần sự nhất trí cao của các CLB.
Bên cạnh đó, những giải pháp như khuyến khích các cầu thủ ngoại kiều về thi đấu ở V-League và các đội tuyển quốc gia cũng như siết chặt việc khen thưởng của các đội bóng được dư luận đáng giá là đúng với tình hình bóng đá trong nước.
Về nhân sự, VPF vẫn được đặt vào tay những người trong bộ máy điều hành cũ của mùa giải trước. Có khác là vị trí Tổng giám đốc (CEO) của VPF được các ông bầu cầm trịch nhất trí tiến cử Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Phạm Ngọc Viễn đảm trách. Trưởng ban trọng tài là ông Dương Vũ Lâm, cũng từng là Phó chủ tịch VFF và hiện là Trưởng văn phòng phía Nam của VFF. Các phó ban trọng tài gồm Đoàn Phú Tấn, Bùi Như Đức, Đặng Thanh Hạ cũng từng tham gia ủy viên hội đồng trọng tài của VFF trước đây.
Ngồi ở ghế CEO, ông Phạm Ngọc Viễn sẽ điều hành trực tiếp cơ chế bóng đá mà ông đã đặt bút viết nên. Những người trao trọng trách này cho ông hy vọng rằng, sự hiểu biết chân tơ kẽ tóc bản đề án bóng đá chuyên nghiệp của ông sẽ giúp việc điều tiết sự phát triển của V-League cũng như các giải đấu của quốc gia diễn ra hợp lý để góp phần nâng cao trình độ bóng đá nước nhà.
Đứng trước vị trí này, ông Viễn cho rằng CEO của VPF không thể vì lợi ích của các ông bầu hay VFF, mà phải đặt lợi ích bóng đá Việt Nam lên hàng đầu.
Còn phía các ông bầu cũng chọn cơ chế mở, nếu CEO không điều tiết các giải đấu trong nước hiệu quả thì sẽ tiến hành chọn người thích hợp hơn thay thế. Đồng thời, cơ chế quản lý của VPF sẽ được thông qua Hội đồng quản trị. Nếu có vấn đề phát sinh, Hội đồng quản trị sẽ điều chỉnh ngay.
Khi VPF vẫn dùng những nhân sự cũ, điều mà dư luận mong chờ là sự đồng thuận cao và một cách làm mới đủ sức để cải thiện bộ mặt bóng đá Việt Nam với mục tiêu lành mạnh hơn và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.