(HNM) - Hà Nội đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Kinh nghiệm thành phố cho thấy, nếu giao cho cấp huyện thực hiện là hiệu quả nhất. Nhưng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố chưa có cơ chế phân giao này, nên các huyện vẫn phải đứng ngoài cuộc, trong khi công việc thì
Không bằng lòng với thực tại
Hà Nội cũng như các địa phương khác, cũng có một hệ thống hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách của TƯ và các quy định mang tính chất đặc thù. Hệ thống này hằng ngày ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội… Tính chất hoàn chỉnh hay chưa hoàn chỉnh của hệ thống này đều có những tác động cụ thể, biểu hiện trong thực tế đời sống.
Cải tạo hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Còn nhớ, ngay sau khi hợp nhất, hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Hà Nội đã thực hiện một đợt cao điểm để thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa các địa phương hợp nhất với nhau. Đến cuối năm 2009, hầu hết các văn bản khác biệt đã được giải quyết. Dù vậy, chừng đó là chưa đủ để thành phố có được hệ thống cơ chế, chính sách đầy đủ, thông thoáng cho đầu tư phát triển.
Thiếu quy định hay cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tế, còn chồng chéo vẫn là những vấn đề nổi cộm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Hà Nội. Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Chúng ta sẽ phải tập trung xây dựng mới các cơ chế, chính sách để hệ thống thể chế pháp lý thống nhất, chặt chẽ. Có như vậy mới có thể huy động được các nguồn lực cho phát triển". Ông cho rằng, trong khi Chính phủ đang thường xuyên cập nhật hệ thống quy định để thích ứng kịp thời với thực tế thì thành phố cũng phải tích cực làm điều tương tự. Chỉ đạo về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở, ngành rà soát tất cả các quy định về quản lý, nhất là lĩnh vực đô thị để sửa đổi, bổ sung, làm mới hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp. Tất cả để tạo nên sức sống mới cho công tác quản lý đô thị. "Chúng ta cần có đầy đủ các quy định và quy định phải đủ hiệu lực để thuận lợi trong kiểm soát chất lượng xây dựng đô thị, bảo đảm môi trường - cảnh quan - kiến trúc đô thị, ngăn chặn những hiện tượng như nhà siêu mỏng, siêu méo, xả rác ra đường…"- ông nói.
Cụ thể hóa chủ trương này, thành phố đã có kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn trong năm 2011. Kế hoạch xác định: "Việc rà soát nhằm kịp thời phát hiện những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp về điều kiện kinh tế - xã hội. Từ đó kiến nghị hoặc thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp thích hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác xây dựng, ban hành, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô".
Cần hỗ trợ và hợp tác
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tạo nguồn lực phát triển trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Khi cơ chế, chính sách được mở ra, nhiều việc tưởng chừng không làm được sẽ trở nên dễ dàng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều hạn chế lớn nhất, cản trở Hà Nội thăng hạng cạnh tranh cấp tỉnh là thành phố "chưa có quy hoạch chung dẫn tới lúng túng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với những dự án lớn". Điều này cũng được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng xác nhận. Đây là một phần trong nhiều nội dung Hà Nội (nhấn mạnh là cấp địa phương) cần có để làm cơ sở phát triển hệ thống cơ chế, chính sách cần thiết, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía các bộ, ngành trung ương. Luật Thủ đô là một nội dung khác mà Thủ đô rất chờ đợi để làm nền tảng nâng cấp, phát triển hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của riêng mình. Đó không phải là đặc quyền, đặc lợi mà tất cả chỉ nhằm hướng tới một tương lai phát triển tốt hơn cho Thủ đô. Có thể nói, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan TƯ để hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Trở lại với vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành thành phố trong việc này, lâu nay, nhiều cơ quan, đơn vị hoặc địa phương thường hay kêu ca rằng việc này không "chạy" vì vướng mắc cơ chế này, khó khăn do cơ chế kia. Có thể nói cơ chế là do chúng ta, cơ chế chưa mở là vì chúng ta chưa chủ động, chưa hành động. Trong nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện nay lại phụ thuộc rất nhiều vào vai trò tham mưu của các sở, ngành, địa phương. Vì vậy, để thay đổi, các sở, ngành không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng và hiệu quả tham mưu về cơ chế, chính sách.
Hệ thống cơ chế, chính sách chỉ thực sự trở thành động lực mạnh cho phát triển của Thủ đô khi mà đồng thời với nỗ lực của thành phố, còn có sự hỗ trợ của Trung ương và sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, ngành thành phố. Ở đây, vấn đề phụ thuộc vào một điều chính yếu: Trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.