(HNM) - Năm 2017, ngành Khoa học và Công nghệ ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng qua việc đi tiên phong áp dụng cơ chế hậu kiểm với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Với sự ra đời của Thông tư 07/2017/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) và việc áp dụng cơ chế hậu kiểm với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH-CN quản lý (tương ứng với 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm), thời gian kiểm tra tại cửa khẩu với nhiều hàng hóa đã được cắt giảm từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.
Thiết bị điện - điện tử là một trong những nhóm hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm. Ảnh: Thái Hiền |
Trước đây, sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 (có nguy cơ gây mất an toàn, có khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) đều phải kiểm tra trước khi thông quan. Tuy nhiên, trên thực tế, xác suất tìm thấy nguy cơ gây mất an toàn rất thấp, nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí rất lớn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Sau một thời gian kiểm soát chặt chẽ từ tiền kiểm, doanh nghiệp đã dần có ý thức hơn và tỷ lệ sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn giảm đi. Ngoài ra, danh mục sản phẩm hàng hóa quá rộng, quá nhiều sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm không có quy chuẩn Việt Nam. Cùng một sản phẩm, hàng hóa nhưng phải chịu nhiều cơ chế quản lý khác nhau của các luật khác nhau (Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thương mại, Luật Hóa chất...) nên chi phí doanh nghiệp và cơ quan quản lý bỏ ra để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành là quá lớn so với những rủi ro các sản phẩm hàng hóa đó có thể gây ra cho xã hội, cho người tiêu dùng.
Trước tình trạng trên, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện cụ thể qua Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Trên tinh thần đó, Bộ KH-CN đã làm việc với các bộ, ngành, rà soát hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu do các bộ ban hành để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục. Về nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH-CN, chỉ có nhóm về xăng dầu và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) là thực hiện tiền kiểm. Còn lại tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa chuyển sang hậu kiểm như: Thép, mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử, đồ chơi trẻ em…
Không buông lỏng quản lý
Việc chuyển công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ trước thông quan sang sau thông quan một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt khác đặt ra vấn đề liệu có ảnh hưởng tới sự chặt chẽ trong quản lý chất lượng hàng hóa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: Đây không phải là buông lỏng quản lý trong quá trình kiểm tra nhập khẩu mà là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Việc giảm tối đa thời gian kiểm tra chuyên ngành không có nghĩa là doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về sản phẩm hàng hóa của mình. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Việc hậu kiểm giúp doanh nghiệp giảm được thời gian thuê kho, lưu bãi, song họ vẫn phải bảo đảm các bằng chứng kỹ thuật để chứng minh sản phẩm đáp ứng quy chuẩn.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, cơ quan quản lý sẽ thêm nhiều khó khăn khi áp dụng chính sách hậu kiểm. Bởi với tiền kiểm, doanh nghiệp phải chứng minh tất cả các khía cạnh có khả năng rủi ro, có khả năng gây mất an toàn cho cơ quan quản lý trước khi được đưa vào thị trường Việt Nam. Còn với hậu kiểm, những tiêu chuẩn đó có thể được chứng minh sau. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến chất lượng hàng hóa của mình hoặc cố tình gian dối thì các cơ quan quản lý sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn trong xử lý hậu kiểm. Dù vậy, cơ chế hậu kiểm hiện đã sẵn sàng và đã được triển khai trong những tháng qua. Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp về việc thực hiện hậu kiểm, qua đó có thể phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp.
Bộ KH-CN hiện đang đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với tình hình mới. Trong đó có việc áp dụng những tiêu chuẩn đã được công bố và được xác nhận bởi các quốc gia có tiêu chuẩn cao. Bộ cũng đã rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành một số nghị định nhằm cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.