(HNM) - Tình trạng vi phạm pháp luật, ngang nhiên khai thác cát, sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường vẫn tái diễn ở nhiều địa phương, thậm chí có tình trạng bao che, bảo kê. Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về thực trạng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép giữa Chính phủ với một số địa phương tổ chức chiều 7-3.
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng (khu vực thị xã Sơn Tây) bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Thái Hiền |
Lợi dụng nạo vét đường thủy để trục lợi
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, nhiều dự án khơi thông luồng lạch trên cả nước có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu sản phẩm để khai thác ngoài khu vực, vi phạm về độ sâu không đúng đề án nạo vét đã được cơ quan nhà nước phê duyệt; sử dụng vượt quá số lượng phương tiện khai thác cho phép; kê khai không đầy đủ khối lượng khoáng sản tận thu; nộp không đủ tiền cấp quyền, phí tài nguyên...
Cùng với đó là "cát tặc" hoạt động trên các tuyến sông Hồng, sông Lô, sông Cầu, sông Thái Bình, Lai Vu... ở phía Bắc; sông Mã, sông Chu, sông Đò Lèn... ở miền Trung; sông Sài Gòn, Đồng Nai... ở miền Nam. Hằng đêm có hàng nghìn đối tượng sử dụng hàng trăm tàu để khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép với khối lượng lên đến vài chục nghìn mét khối. Thủ đoạn của dạng vi phạm này là khai thác vào ban đêm, chủ phương tiện thường tránh mặt, mọi hoạt động giao lại cho người làm thuê thực hiện. Những người này không có giấy tờ tùy thân, khi bị phát hiện, xử lý đều khai không biết chủ phương tiện và không ký vào biên bản vi phạm. Qua thống kê của 22/63 tỉnh, thành phố, từ năm 2013 đến 2016, các địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 38 tỷ đồng, chỉ chuyển xử lý hình sự 7 vụ vi phạm.
Theo ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, hầu hết các phương tiện vi phạm đều không có biển kiểm soát hoặc đã được tẩy xóa, thay đổi. Tỉnh Phú Thọ giáp ranh với Hà Nội, Tuyên Quang nên các đối tượng khai thác cát trái phép thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, lợi dụng khu vực giáp ranh để tránh lực lượng kiểm tra. Thậm chí, nhiều trường hợp sẵn sàng dùng bạo lực tranh giành địa bàn, nhân công và phương tiện để khai thác trái phép, gây mất an ninh, trật tự trên các tuyến sông.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai và 4 tỉnh lân cận ký kết quy chế phối hợp thành lập tổ liên ngành trong quản lý khai thác cát, sỏi. Lực lượng này đã phát hiện nhiều trường hợp nạo vét luồng thủy không đúng địa điểm, khai thác vượt số lượng được cấp phép, không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông...
"Thời gian qua, Hà Nội là địa phương đầu tiên bắt giam và đưa ra truy tố trước pháp luật đối tượng khai thác cát trái phép trên sông. Đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép được thành phố giải quyết cơ bản. Cùng với đó, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tới đây sẽ tổ chức đấu thầu khai thác theo quy hoạch để tăng nguồn thu cho thành phố, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng |
Mở đợt cao điểm chống "cát tặc"
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đòi hỏi nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng đã thúc đẩy hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra trên toàn quốc. Thêm vào đó là sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ, nhiều nơi chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra chưa triệt để.
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, với đà khai thác như hiện nay thì nguồn tài nguyên cát, sỏi sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy, như xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, tác động xấu đến môi trường... Mặc dù, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, nhưng đến nay hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp.
"Tình trạng này tái diễn là do cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý; có nơi còn bao che cho hành vi vi phạm. Tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, vận dụng các công cụ pháp luật, trong đó có Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm những hành vi khai thác cát trái phép" - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, Bộ Công an thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm khai thác cát sỏi trái phép tại các địa phương. Trước mắt là mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý "cát tặc" từ ngày 15-3 đến 1-6-2017; lập các chuyên án đấu tranh với khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi xây dựng trái phép; xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, giáo dục. Bộ Giao thông - Vận tải chấn chỉnh việc cấp phép nạo vét luồng tuyến đường thủy có tận thu sản phẩm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặc biệt lưu ý, nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý, khai thác cát, sỏi thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Trường hợp phát hiện cán bộ có hành vi bao che, bảo kê cho "cát tặc", tùy tính chất, mức độ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.