Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mê Linh: Có hay không việc ''bảo kê'' máy gặt ở xã Thạch Đà?

Thiện Duy| 31/05/2023 17:23

(HNMO) - Hiện nay, lúa trên cánh đồng xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) đã được thu hoạch xong, nhưng dư âm về dấu hiệu “bảo kê”, ép nông dân thuê máy gặt với giá cao vẫn “nóng” trong bà con nơi đây. Sau khi nhận được thông tin, huyện Mê Linh đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc làm sáng tỏ hành vi “bảo kê”.

Nỗi bức xúc của bà con...

Sáng 31-5, phóng viên Báo Hànộimới đã về xã Thạch Đà, huyện Mê Linh tìm hiểu thông tin liên quan đến dấu hiệu “bảo kê” dịch vụ gặt lúa, ép giá nông dân. Trao đổi với nhiều người phơi lúa bên đường, cạnh trụ sở UBND xã Thạch Đà, chúng tôi đã khâu nối được sự việc. 

Theo đó, trước mùa lúa chín, Hợp tác xã Thạch Đà thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thông báo người dân tự tìm máy gặt, hợp tác xã không thực hiện dịch vụ này như các vụ trước. Vì thế, người dân đã liên hệ với một số chủ máy gặt và một số chủ đưa máy về, nhưng đến đầu làng đã bị một số đối tượng đuổi; còn một số chủ máy khác không dám nhận lời do vụ chiêm năm trước đã từng bị đánh chỉ vì “dám đưa máy về gặt lúa ở xã Thạch Đà”. 

Đến ngày lúa chín, có người gọi đưa máy về gặt, nhưng bị ép giá ở mức 220.000 đồng/sào; thậm chí, ngày cuối cùng gặt còn bị ép giá ở mức “nửa sào là 150.000 đồng, 10 thước là 250.000 đồng” nhưng người dân cũng đành phải chấp nhận.

Một người dân cho biết: “Tôi có 4 sào, nhưng khi thanh toán phải trả 1,2 triệu đồng; chủ máy gặt chỉ được nhận 140.000 đồng/sào, còn số chênh lệch chi cho ai, người dân không biết”... Trong khi đó, người dân địa phương lân cận chỉ phải thuê máy gặt với giá 150.000-160.000 đồng/sào. Việc bị ép giá này đã có dấu hiệu từ vụ chiêm năm trước, nhưng năm nay lộ liễu và táo tợn hơn...

Người dân xã Thạch Đà bức xúc trước việc bị một số đối tượng ép gặt với giá cao.

Trao đổi về thông tin này, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà Đỗ Kiến Hào cho biết: Tổng diện tích đất cấy lúa trên địa bàn xã là 260ha, của khoảng 1.000 hộ dân. Địa phương không có ai làm dịch vụ gặt máy. Mọi năm, khi đến mùa gặt, xã giao Hợp tác xã Thạch Đà làm đầu mối, kết nối chủ máy về gặt cho bà con theo mức giá thỏa thuận. Năm nay, Hợp tác xã Thạch Đà không liên hệ được với chủ máy gặt nào nên thông báo để bà con tự tìm máy gặt.

Ngày 24-5, có người tên là Xuân, ở xã Văn Khê (huyện Mê Linh) gọi điện cho ông Hào, nhận về xã gặt cho bà con; ông Hào có đưa chủ máy ra cánh đồng, còn về giá thì do bà con tự thỏa thuận với ông Xuân. Sau đó, ông Xuân đưa 7 máy về gặt cho bà con. Với mức giá 200.000- 220.000 đồng/sào.

Đáng lưu ý, ông Hào cho rằng đây là mức giá chung do năm nay giá xăng, dầu, chi phí nhân công đều tăng...

Kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

Sau khi có phản ánh dấu hiệu “bảo kê” máy gặt ở xã Thạch Đà, ngay trưa 30-5, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm chủ trì đã có buổi đối thoại với bà con xã Thạch Đà.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, đại diện các phòng, ban liên quan và chính quyền xã Thạch Đà đã nghe bà con phản ánh lại dấu hiệu của việc một số chủ máy gặt ép bà con phải thuê máy với giá cao.

Ghi nhận ý kiến của bà con, Thường trực Huyện ủy Mê Linh đã có ngay văn bản chỉ đạo, giao UBND huyện khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm vi phạm và báo cáo Thường trực Huyện ủy trước ngày 8-6-2023. Đồng thời, giao Công an huyện tập trung điều tra, xác minh vụ việc; kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng có hành vi “bảo kê”, đe dọa người dân. Bên cạnh đó, Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn tuyên truyền, nhắc nhở người dân đề phòng, nâng cao cảnh giác với loại tội phạm trên; tố giác kịp thời các đối tượng có hành vi “bảo kê”, đe dọa, để có biện pháp xử lý...

“UBND huyện cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Công an huyện, Phòng Kinh tế phối hợp với UBND xã Thạch Đà và các đơn vị liên quan khẩn trương làm sáng tỏ phản ánh của người dân...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương nhấn mạnh.

Lúa của người dân trên cánh đồng Thạch Đà đã được thu hoạch xong.

Như vậy, bước đầu có thể thấy, các cơ quan chức năng huyện Mê Linh đã tích cực vào cuộc. Kết quả sẽ còn phải chờ, nhưng thực tế trên cho thấy, UBND xã Thạch Đà đã có phần thiếu kiểm tra, giám sát, để sự việc đi quá xa, không kiểm soát hết được tình hình, đẩy sự việc thành phức tạp, mất an ninh trật tự ở địa phương. 

Theo thông tin phóng viên Báo Hànộimới nắm được, trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 60 máy gặt của các hợp tác xã và một số cá nhân. Để không còn cảnh nông dân bị ép giá gặt cao, các hợp tác xã nông nghiệp nên triển khai dịch vụ gặt máy, có hợp đồng rõ ràng về giá với người dân. Với địa phương không có đơn vị, cá nhân làm dịch vụ gặt máy, chính quyền cần làm cầu nối, là khâu trung gian kết nối chủ máy gặt với các hộ dân. Trong đó, có thể thực hiện theo phương thức đấu thầu công khai. Cách làm này sẽ giúp minh bạch và ổn định mức giá; tình hình an ninh trật tự cũng sẽ được bảo đảm... 

Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kết quả điều tra, xác minh hành vi “bảo kê” máy gặt tại xã Thạch Đà của chính quyền huyện Mê Linh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh: Có hay không việc ''bảo kê'' máy gặt ở xã Thạch Đà?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.