Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản

Phạm Kim Thanh| 08/12/2012 06:29

(HNM) - Năm 1971, ông Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thì tháng 12-1972, Thủ đô là mặt trận trung tâm của trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Mỹ. Trong 12 ngày đêm lịch sử của 40 năm về trước, căn hầm ở 62 phố Trần Quốc Toản đã khiến ông nhớ lại nhiều câu chuyện không thể nào quên của một thời đạn bom…


Hiện nay, trên nóc căn hầm năm xưa là trụ sở Hội Nhà báo TP Hà Nội.


Ông kể: "Bác và Thường vụ vẫn làm việc bình thường ở khu nhà ngói phía ngoài cổng hầm. Lúc có báo động mới xuống hầm. Ban ngày làm việc và đi đôn đốc các nơi, mình phải đến tận nơi xem dân sơ tán thế nào, trận địa trực chiến của dân quân tự vệ ra sao. Tối nào cũng phải trực dưới hầm. Tổng đài Thành ủy có đường dây riêng nối với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PKKQ), để các anh ấy báo cho mình, có máy bay sắp đến là nổi còi báo động toàn TP" - Kho lưu trữ của ông cứ mở từng trang, từng sự kiện như thế. Tôi hỏi: "Ở dưới hầm này, bao nhiêu cuộc họp bất thường, bao nhiêu cuộc họp chỉ đạo của Thành ủy, bác nhớ nhất điều gì?". Ông nói ngay: "Công tác tư tưởng và việc vận động dân đi sơ tán; đó mới là hai thứ công việc phức tạp nhất, khó nhất".

Theo trí nhớ của ông, đúng ngày 16-4-1972, Mỹ đánh Hải Phòng, Hà Nội. 10 giờ sáng cùng ngày, Thành ủy họp bất thường, yêu cầu cấp ủy và chính quyền các cấp xây dựng gấp phương án sơ tán dân. Nhưng tâm lý bám trụ TP, sống và chiến đấu, ăn sâu vào máu người Hà Nội, nên việc vận động dân về thôn quê sơ tán là cả một vấn đề. Đến đầu tháng 12-1972, số dân ở lại nội thành vẫn còn nhiều. Ngày 21-12, tôi ra lệnh kiên quyết chỉ để lại dân quân tự vệ, nhất định bằng mọi cách phải "áp chế" dân đi khỏi nội thành. Đến ngày 29-12, sơ tán được hơn 50 vạn dân, bằng 80% dân số toàn nội thành. Đó là đỉnh điểm của Hà Nội trong 12 ngày đêm. Ngoại thành, ở những nơi có trận địa tên lửa, có các kho hàng như Uy Nỗ, Đông Anh, Giáp Bát, Văn Điển… cũng phải sơ tán dân như nội thành. Công tác tư tưởng động viên toàn Đảng bộ, quân và dân Thủ đô quyết đánh thắng Mỹ dễ hơn so với công tác vận động dân đi sơ tán, nhưng tính mạng dân thì không thể lơ là được, nên hôm nào Thường vụ cũng phải nắm con số cụ thể, dân sơ tán bao nhiêu? Nó đánh ở đâu, ngớt tiếng bom là lãnh đạo TP đến ngay đó, thăm hỏi động viên bà con. An Dương, Khâm Thiên, Nhà máy Dệt 8-3, trận địa Chèm bị bom Mỹ đánh tan hoang, tôi và các đồng chí Thường vụ đều đến tận nơi. Chiến đấu một mất một còn, đồng bào nén đau thương để đánh Mỹ, mỗi cán bộ chủ chốt của Đảng bộ cũng là chiến sĩ thì mới làm công tác tư tưởng tốt được. Tôi nhớ, chính đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính TP đã băng bó cho người dân Khâm Thiên khi đến thăm nhân dân sáng 27-12…

Sau 10 ngày đấu trí, đấu lực với địch, Thành ủy họp đột xuất ở 62 Trần Quốc Toản nhằm kiểm lại lực lượng và rút kinh nghiệm xương máu, đề ra một số biện pháp cấp bách để chiến đấu lâu dài; động viên cao nhất lực lượng cứu hỏa, cứu sập, cứu thương; củng cố hệ thống thông tin liên lạc và đài quan sát. Công tác tư tưởng - thông tin - tuyên truyền phải chú ý, tăng cường đưa các nhà báo và đại diện Đại sứ quán đến những nơi địch ném bom tàn phá nặng nề để tạo dư luận rộng rãi ra công luận quốc tế.

Từ căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản, mọi chủ trương, thông báo đã được phát đi kịp thời, thành mệnh lệnh chiến đấu của các cấp ủy Đảng và toàn thể quân dân Hà Nội. Hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Hà Nội đã làm nên một trong những chiến thắng lẫy lừng nhất thế kỷ XX.

Căn hầm đã trở thành di tích cách mạng và kháng chiến, ghi dấu một thời hào hùng của Hà Nội. Trên nóc hầm, hôm nay là trụ sở Hội Nhà báo TP. Và người chịu trách nhiệm cao nhất của Đảng bộ và quân dân Hà nội thời điểm ấy nay đã sắp tròn trăm tuổi, vẫn sáng một niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.