Không chỉ là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, lữ đoàn đặc công nước 126 còn có những câu chuyện thú vị khác, đó là mô hình “Nhiều hơn 1” và “Ngày đồng đội”.
Năm 2015, lữ đoàn 126 đạt tiêu chí huấn luyện giỏi cấp toàn quân. Trước đó, vào năm 2014, lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi và là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân; và lịch sử của lữ đoàn ghi nhận hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung úy chuyên nghiệp Đinh Thị Hoa (phải) và thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Nguyệt luyện tập bắn súng đặc chủng chống khủng bố. |
“Nhiều hơn 1”
“Mô hình “Nhiều hơn 1” đã tạo ra động lực rất lớn cho toàn đơn vị. Chúng tôi đã làm được những việc mà nhiều người không hình dung nổi” - trung tá Đỗ Quang Khải, phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 126, cho biết.
Trong toàn quân, lữ đoàn 126 là đơn vị đầu tiên và duy nhất có mô hình với cái tên rất lạ ấy. Trung tá Đỗ Quang Khải nói:
“Lữ đoàn là đơn vị đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nên chúng tôi cứ trăn trở mãi: làm sao để hiệu suất chiến đấu của anh em cũng phải đặc biệt, làm sao để có một phong trào thôi thúc con người luôn vượt qua giới hạn của bản thân, không những giỏi việc của mình mà giỏi việc khác, một người có thể làm việc nhiều hơn chính mình, bằng hai mình, ba mình, thậm chí “n” mình… và tạo nên sức mạnh xứng đáng là một quân nhân ở trong một đơn vị tinh nhuệ, đặc biệt.
Từ năm 2012, chúng tôi đã được thủ trưởng cấp trên gợi ý về mô hình này và đến năm 2014 thì bắt đầu thực hiện và thật sự đã tạo động lực cho mỗi quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Trong huấn luyện, mô hình “Nhiều hơn 1” đã tạo động lực ngoài sức tưởng tượng của chỉ huy lữ đoàn. Nhiều chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện vượt trên định mức thông thường của chính họ.
“Trong năm 2014, các chiến đấu viên đều lặn sâu vượt mức huấn luyện thông thường 10-20%, bơi vượt biển hàng chục kilômet và làm được những điều mà người khác không làm được trước đó. Đặc biệt nhất là có nhiều hạ sĩ quan chỉ có 7 tháng tuổi quân, nghĩa là chỉ có 4 tháng huấn luyện ở đặc công nước, đã bơi được cự ly mà bình thường sau 3 năm mới đạt được! Bình thường các chiến sĩ huấn luyện trong 3 năm chỉ bơi được 10-15 km.
Bây giờ đơn vị không phân biệt mới cũ gì, đưa ra tiêu chí để anh em phấn đấu vượt lên mức huấn luyện thông thường lâu nay. 7 tháng tuổi quân mà bơi được như thế là điều mà trước đó chưa từng xảy ra.
Đến năm 2015, khi anh em bơi huấn luyện ở biển xa đã đạt được những thành tích vượt mức mong đợi của chỉ huy lữ đoàn. Từ những kết quả đó, chúng tôi tiếp tục đưa ra những tiêu chí và yêu cầu cao hơn trong huấn luyện cho năm 2016 và những năm sau đó” - trung tá Đỗ Quang Khải phấn khởi nói.
Các chiến đấu viên hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện lặn biển về bờ. |
Cũng từ mô hình “Nhiều hơn 1”, không ít nhân tố tiềm năng đã được phát hiện, rèn luyện và trở thành những quân nhân xuất sắc. Đặc biệt là… nữ quân nhân trong võ chiến đấu tay không và bắn súng chuyên dụng của đặc nhiệm chống khủng bố.
Trong đội hình của hai nội dung huấn luyện này đã có nhiều quân nhân nữ tham gia và một vài người trong số họ đã trở thành tay súng thiện xạ khiến các chiến đấu viên nam cũng phải ngả mũ bái phục.
Khi chị nuôi cũng là xạ thủ
Một đại biểu tuyên truyền biển đảo kể trong một lần anh đến làm việc tại lữ đoàn 126, sau khi chứng kiến màn biểu diễn bắn súng đặc chủng chống khủng bố của đội hình xạ thủ lữ đoàn, trong đó có hai nữ quân nhân, anh đến bắt tay chúc mừng và hỏi chuyện thì vô cùng ngạc nhiên khi biết hai bóng hồng đó là… chị nuôi lo chuyện bếp núc! Hai bông hồng đó chính là trung úy chuyên nghiệp Đinh Thị Hoa và thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Nguyệt.
Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Nguyệt tham gia những bài bắn súng đặc chủng chỉ mới từ năm 2014. Bình thường, quân nhân chuyên nghiệp chỉ bắn súng tiểu liên AK. Khi tham gia bài bắn chống khủng bố, chiến đấu viên được sử dụng loại súng đặc chủng rất hiện đại. Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Nguyệt kể:
“Lúc mới làm quen với súng đặc chủng, thấy súng đạn là run, là sợ vì liên quan đến yếu tố an toàn. Sơ sẩy là có tai nạn ngay. Tâm lý phải vững, phải tập trung cao độ vào nhiệm vụ. Một tuần chúng tôi ra thao trường hai ngày, suốt cả ngày nắng nóng cứ lăn lộn trên đất, đầu chỉ có cái mũ. Nắng cháy mặt. Mắt thì hoa lên. Mồ hôi chảy cay xè mắt. Bài tập yêu cầu phải chạy theo chiến thuật và nhiệm vụ, bắn vừa nhanh vừa phải chính xác.
Hai tuần đầu bắn tới viên thứ ba vẫn không rụng bia, thấy chán và thất vọng lắm nhưng tự bảo mình phải cố gắng, không được phép thất bại. Có lúc ốm, sốt nhẹ, cúm nhẹ vẫn tập. Trước mặt thủ trưởng, mình vẫn tỏ ra bình thường, nặng quá mới phải báo cáo.
Sau hai tuần thì mình đã có kinh nghiệm và bắn ổn định hơn. Mình nghĩ đây là nhiệm vụ, và người lính thì không được phép từ chối nhiệm vụ. Bây giờ vừa chạy xong, đưa súng lên ngắm phát là bắn luôn ở cự ly 25 m, bắn đổ bia ngay từ viên đầu tiên”.
Hàng năm lữ đoàn 126 đều kiểm tra khả năng bắn súng của quân nhân, kể cả nữ. Cho nên 100% quân số đều biết bắn súng, nhưng để được tham gia đội hình bắn súng chuyên dụng chống khủng bố thì không phải nữ quân nhân nào cũng có khả năng.
“Đồng chí Hoa và Nguyệt tham gia nhiều bài bắn đặc nhiệm chống khủng bố, bắn ở nhiều tình huống khó. Các bia cách nhau chỉ tầm vai người, khoảng 25 cm, bắn giải thoát con tin trên tàu, trên nhà cao tầng, phải hạ gục mục tiêu qua các ô cửa, ô thông gió… nên tốc độ xử lý phải rất nhanh trong mọi điều kiện và tình huống. Hai đồng chí này đã tham gia bắn cùng đội hình nam chiến đấu viên trong tình huống bắn yểm trợ cho đồng đội và đều xuất sắc bắn rụng hết bia.
Có bài bắn các cô hạ gục mục tiêu khi chưa hết thời gian khống chế và số lượng đạn quy định. Có bài cho phép một bia được dùng 2-4 viên đạn nhưng các cô chỉ sử dụng một viên, cùng lắm hai viên đã hạ được mục tiêu!”, trung tá Đỗ Quang Khải tự hào kể.
Và niềm tự hào của lữ đoàn 126 không chỉ có trung úy Hoa, thiếu tá Nguyệt mà còn là nhiều gương mặt xuất sắc khác trong đội võ chiến đấu tay không. Đó là trung úy chuyên nghiệp Phạm Thị Hà (nhân viên nấu ăn), thượng úy chuyên nghiệp Trần Thị Thanh Thủy (nhân viên văn thư)…
“Năm 2014, đơn vị đoạt giải nhất toàn đoàn trong hội thao võ chiến đấu tay không Quân chủng Hải quân. Thành tích đó có cả đóng góp của các đồng chí nữ. Ví dụ như một mình đồng chí Phạm Thị Hà đấu đối kháng quật ngã được bốn anh!”, ông Đỗ Quang Khải kể với vẻ đầy tự hào.
“Ngày đồng đội”
Lữ đoàn tinh nhuệ đặc biệt này của Hải quân đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lần thứ nhất khi đơn vị mới được 3 tuổi (năm 1969). 5 tuổi thì được phong anh hùng lần hai (năm 1971). Đơn vị còn có bốn tập thể được phong tặng anh hùng.
“5 giỏi” và “2 keo sơn” Đã làm việc với nhiều đơn vị trong nhiều quân binh chủng khác nhau nên chúng tôi khá ngạc nhiên khi nghe tiêu chí “5 giỏi” và “2 keo sơn” của lữ đoàn 126. |
Từ suy nghĩ đó, tháng 4/2014, nhân tổ chức tuyên truyền về ngày thành lập lữ đoàn (13-4- 1966), lữ đoàn 126 đã làm lễ ra mắt “Ngày đồng đội”. Sau một thời gian ngắn, từ sự nỗ lực trong tuyên truyền giáo dục ý thức, lòng tự hào về truyền thống và tình đoàn kết sâu sắc của các thế hệ đi trước, mỗi người lính trong đơn vị đã thật sự nhận thức được ý nghĩa cao đẹp của mô hình “Ngày đồng đội”.
Họ cùng nhau tự nguyện đóng góp, ủng hộ và tạo nên nguồn lực cho mô hình “Ngày đồng đội”. Những việc làm xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến cảm xúc của trái tim. Tinh thần nhân văn của “Ngày đồng đội” đã lay động được cả trái tim của những cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, các vị khách đến thăm đơn vị…
Chỉ sau hơn hai năm, đến nay nguồn kinh phí của mô hình “Ngày đồng đội” đã lên tới con số hàng tỉ đồng. Nguồn lực từ mô hình “Ngày đồng đội” của lữ đoàn được trích ra để xây dựng tượng đài Anh hùng liệt sĩ đặc công hải quân, thăm hỏi tứ thân phụ mẫu của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị khi ốm đau, nằm viện; hỗ trợ một số quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; tri ân các cựu chiến binh cuộc sống còn nhiều vất vả, thăm hỏi các cựu chiến binh khi đau ốm…
Hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã nhận được hỗ trợ từ mô hình “Ngày đồng đội”. Tháng 6-2014, đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Hải Triều, một chiến đấu viên rất giỏi của đội 7 (đội đặc công người nhái), được phát hiện bị u não. Bệnh viện cho về đơn vị tiếp tục uống thuốc nhưng tình trạng còn nặng hơn.
“Khi đó Hải Triều mới cưới vợ hai tháng. Chúng tôi không đành lòng nhìn một đồng đội cứ héo mòn dần như vậy. Đảng ủy chỉ huy tìm hiểu và quyết định phải chuyển đồng chí Triều lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Chi phí điều trị đơn vị trích ra từ mô hình “Ngày đồng đội”. Cũng nhờ sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, sức khỏe Hải Triều đã ổn định và bây giờ hai vợ chồng đã có một cháu rất khỏe mạnh” - phó chính ủy Trần Văn Nghĩa cho biết.
Sau 13 năm nhập ngũ, do thể trạng nên sức khỏe không đủ để tiếp tục phục vụ quân đội, chiến đấu viên đội 2 Hoàng Văn Kim (Nghệ An) làm đơn xin xuất ngũ. Gia cảnh anh Kim rất khó khăn, vợ không có việc làm, hai con còn nhỏ, mẹ già yếu, bố đã mất. Ban chỉ huy lữ đoàn quyết định trích 60 triệu đồng từ mô hình “Ngày đồng đội” và làm đề xuất xin quân chủng hỗ trợ 70 triệu xây nhà cho gia đình chiến đấu viên Hoàng Văn Kim…
Đó chỉ là một vài câu chuyện gần đây nhất trong hàng trăm chiến đấu viên đã được nguồn lực từ mô hình “Ngày đồng đội” của lữ đoàn hỗ trợ. Trước sự lan tỏa và hiệu quả của mô hình “Ngày đồng đội” ở lữ đoàn 126, ngày 13/4 đã được chọn làm “Ngày đồng đội” của đặc công hải quân.
Rời lữ đoàn 126 trong chiều đông se lạnh, ngoái nhìn lại công trình tượng đài Anh hùng liệt sĩ đặc công hải quân đang dần nên vóc hình, nhớ lại đôi mắt đầy xúc cảm của phó chính ủy Trần Văn Nghĩa khi kể về những thời khắc mà chỉ huy lữ đoàn đã sát cánh sẻ chia cùng các chiến đấu viên, những đồng đội vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc đời, tôi lại nhớ câu nói ngắn gọn mà đủ đầy của anh: “Tất cả đều phải xuất phát từ cái tâm, cái tình và đặc biệt phải làm tốt công tác giáo dục ý thức, lòng tự hào về truyền thống cha ông và sự gắn kết tình đồng đội cho mỗi người thì sẽ tạo nên sức mạnh và sự lan tỏa lớn lao…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.