TP Hồ Chí Minh

Người chiến sĩ đặc công nhìn huyệt của mình trước khi vào trận đánh sinh tử

Nguyễn Lê 19/04/2025 06:09

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Bùi Ngọc Trung nhiều lần rơm rớm nước mắt khi nhắc đến đồng đội đã ngã xuống trong những trận đánh sinh tử.

Thượng tá Bùi Ngọc Trung, người chiến sĩ đặc công góp phần mở đường Chiến dịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Lê
Thượng tá Bùi Ngọc Trung, người chiến sĩ đặc công góp phần mở đường Chiến dịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Lê

Người chiến sĩ đặc công, thầm lặng nhưng rất đỗi hào hùng ấy là ông Bùi Ngọc Trung (sinh năm 1953, quê quán Phú Thọ; hiện sinh sống tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ông là một trong những người lính đặc công “đặc biệt”, góp phần mở đường Chiến dịch Hồ Chí Minh từ Buôn Ma Thuột đánh xuống đồng bằng, chọc thủng tuyến phòng thủ cầu Bông của ngụy quyền trên quốc lộ 1, đánh vào Sài Gòn và chiếm giữ sân bay Tân Sơn Nhất.

Đào huyệt trước khi vào trận đánh

Ông Bùi Ngọc Trung nhập ngũ tháng 5-1971, tháng 1-1972 "đi B", tức chiến trường miền Nam. Ông tham gia chiến trường Tây Nguyên từ tháng 1-1972, thuộc Đại đội đặc công độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 19-8-1974, Trung đoàn Đặc công 198 (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 198) được thành lập - trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (mật danh B3), ông được điều về với vai trò Trung đội trưởng Trung đội 3 (Đại đội 16).

“Với nhiệm vụ “đặc biệt”, lính đặc công phải luồn sâu trong lòng địch. Nếu hy sinh, phải chôn xác đồng đội ngay tại chỗ, rồi ngụy trang lại như cũ, nên không có nấm mồ nào cả. Vì vậy, khi tìm lại anh em (xác đồng đội) thì không tìm được”, ông Bùi Ngọc Trung rơm rớm nước mắt khi tưởng nhớ đến các đồng đội đã ngã xuống.

“Năm 1972, tôi được giao nhiệm vụ cùng một đồng đội ôm 4 quả bom hẹn giờ (mỗi người ôm 2 quả, mỗi quả nặng 5kg) đánh căn cứ hậu cần thuộc Quân đoàn 2 của địch ở thị xã Pleiku (nay là thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Chúng tôi phải chui qua 9 lớp hàng rào mới lọt được vào kho hậu cần. Toàn thân hóa trang bằng than và đất đỏ của vùng Tây Nguyên.

Lúc ấy, Đại úy Trần Tất Thanh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 631, trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy trận đánh này (từ 2-1989, ông trở thành Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên). Trong lúc tôi và một đồng đội hóa trang, Đại úy Trần Tất Thanh giao các anh em tổ quân y đào cho chúng tôi 2 cái huyệt ngay trước mắt chúng tôi”, ông Bùi Ngọc Trung kể.

Khi được hỏi, ông cảm giác thế nào khi thấy huyệt mộ của mình? Ông đáp gọn lỏn: “Không có cảm giác gì cả”. Sau đó, ông giải thích thêm: “Thấy bình thường vì là người lính đặc công, tôi luôn xác định một là sống, hai là chết”.

Trước khi kết thúc 2 giờ đồng hồ của 2 quả bom hẹn giờ, ông cùng đồng đội tiêu diệt thành công mục tiêu kho hậu cần của địch và nhận được giấy chứng nhận chiến công ngay tại chiến trường.

Nhiều lần, ông phải lấy tay lau những giọt nước mắt rơi xuống. Ảnh: Nguyễn Lê
Nhiều lần, ông phải lấy tay lau những giọt nước mắt rơi xuống. Ảnh: Nguyễn Lê

Mở đường Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh xuống đồng bằng

Ngày 2-9-1972, ông Bùi Ngọc Trung được cấp trên giao đánh luồn sâu (thuật ngữ của đơn vị đặc công) vào sở chỉ huy của địch ở căn cứ Lệ Minh. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của cánh quân Tây Nguyên đánh căn cứ Lệ Minh. Ông Bùi Ngọc Trung cho biết, từ năm 1968 đến năm 1972, căn cứ Lệ Minh của địch chưa bị tiêu diệt. Đây là căn cứ rất kiên cố, khó đánh.

Trước đó, ngày 27-8-1972, ông Bùi Ngọc Trung vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước khi vào trận đánh, Chính trị viên Tiểu đoàn C20, Trung đoàn Đặc công 198 chuẩn bị riêng một bữa cơm mời ông lên dùng cơm cùng các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 631 (phải đi mất một ngày đường) chúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Đây cũng có thể là bữa cơm cuối cùng của tôi”, ông Bùi Ngọc Trung chia sẻ.

“Đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2-9-1972, với vai trò Trung đội trưởng, tôi dẫn đầu mũi luồn sâu đánh vào căn cứ Lệ Minh, tiêu diệt toàn bộ địch tại chỗ. Điều đáng tiếc là, nhiệm vụ của người chỉ huy phải đi đầu tiến công vào trận đánh và rút ra sau cùng, tôi giao cho Trung đội phó dẫn đồng đội rút ra, chẳng may lạc phương hướng, trúng mìn khiến 11 đồng đội phải hy sinh”, kể đến đây ông Bùi Ngọc Trung lại bật khóc.

Năm 1972, Tiểu đoàn 631 (Mặt trận B3) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

giay-chung-nhan_1.jpg
Ông Bùi Ngọc Trung gìn giữ rất cẩn thận các giấy chứng nhận dù đã nhuộm màu thời gian. Ảnh: Nguyễn Lê
Ông Bùi Ngọc Trung gìn giữ rất cẩn thận các giấy chứng nhận đã nhuộm màu thời gian. Ảnh: Nguyễn Lê

Sau khi Chiến dịch Buôn Ma Thuột giải phóng toàn bộ Tây Nguyên thắng lợi, ngày 26-4-1975 mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh xuống đồng bằng, ông Trung được phân công đánh tuyến phòng thủ cầu Bông (trên quốc lộ 1, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn - Gia Định) của địch. Đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29-4-1975, đơn vị của ông phối hợp với một đơn vị khác chọc thủng được chốt của địch ở cầu Bông, mở đường, giữ được cầu để xe tăng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn - Gia Định.

Sáng 30-4-1975, đơn vị của ông Bùi Ngọc Trung phối hợp Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) chiếm giữ được Ngã tư Bảy Hiền (cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất). Cánh quân của ông sau đó đánh vào chiếm giữ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 30-4-1975.

Trước khi nghỉ hưu, ông Bùi Ngọc Trung được phong quân hàm Thượng tá. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chiến sĩ đặc công nhìn huyệt của mình trước khi vào trận đánh sinh tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.