Xã hội

Đậm dấu ấn văn hóa và sáng tạo trong tên gọi phường, xã mới ở Hà Nội

Hà Vũ 23/04/2025 21:03

Cách đặt tên cho 126 đơn vị hành chính mới của thành phố Hà Nội không chỉ cho thấy sự kỹ lưỡng trong nghiên cứu lựa chọn, mà còn thể hiện thái độ trân trọng quá khứ, thể hiện khát vọng tương lai và đặt người dân vào vị trí trung tâm.

Trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử

Với tổng diện tích 3.359,84km2, Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 1 thị xã và 17 huyện) và 526 đơn vị hành chính cấp xã (160 phường, 21 thị trấn và 345 xã) cùng khoảng hơn 8,5 triệu người dân sinh sống và làm việc.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ mười một (khóa XIII), thành phố đã khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 526 xuống còn 126 đơn vị hành chính cơ sở mới, bao gồm 47 phường và 79 xã.

126 đơn vị hành chính cơ sở mới cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ xác định ngần ấy cái tên. Lựa chọn tên nào trong số 30 tên quận, huyện, thị xã và 526 tên phường, xã, thị trấn cũ là cả một thử thách rất khó khăn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng làm sao đủ sức thuyết phục đại đa số người dân.

anh-dong-anh.jpg
c746aa961625a57bfc34.jpg
Phương án đặt tên đơn vị hành chính cơ sở mới và ý nghĩa các tên gọi mới. Ảnh: UBND huyện Đông Anh

Để thực hiện công việc khó khăn này, thành phố Hà Nội đã bám sát chỉ đạo định hướng của Trung ương, nhất là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Đồng thời, thành phố cũng xác định đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô; trong đó, lựa chọn một đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội), việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một vùng đất mới với ký ức, kỷ niệm và câu chuyện chung, từ đó tạo sự gắn kết và đồng lòng để phát triển địa phương.

Phân tích phương án dự kiến đặt tên 126 phường, xã mới của Hà Nội cho thấy, những tên gọi địa danh văn hóa lịch sử quan trọng nhất của Thủ đô đã được sử dụng, trong đó bao gồm 100% tên các quận, huyện, thị xã cũ được sử dụng cho tên đơn vị hành chính mới; đồng thời, phần lớn tên đơn vị hành chính mới được chọn từ tên các phường, xã, thị trấn mang nội hàm ý nghĩa sâu sắc hoặc có tính chất tiêu biểu, hoặc gắn với địa danh hoặc đặc trưng văn hóa nổi bật.

Ví dụ như các phường: Ngọc Hà, Giảng Võ (Ba Đình); Cửa Nam (Hoàn Kiếm); Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đống Đa); Phú Thượng (Tây Hồ); Bạch Mai, Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); Việt Hưng, Bồ Đề, Phúc Lợi (Long Biên); Tân Triều, Ngọc Hồi (Thanh Trì); Phù Đổng, Bát Tràng (Gia Lâm); Trung Giã (Sóc Sơn); Sơn Đồng, An Khánh (Hoài Đức); Quảng Oai, Vật Lại, Cổ Đô (Ba Vì); Chương Dương, Hồng Vân (Thường Tín)...

TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, đây đều là những cái tên mang ý nghĩa to lớn, không thể bỏ được, vì không chỉ gắn liền với vùng đất, con người và văn hóa, lịch sử, mà còn có tác dụng khơi gợi cảm xúc, niềm tự hào, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân.

son-tay.jpg
Ảnh: Thị xã Sơn Tây

Sự sáng tạo gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai

Ngoài ra, chiếm tỷ lệ khá cao là các đơn vị hành chính cơ sở được đặt tên không phải từ các tên gọi sẵn có của quận, huyện, thị xã hay phường, xã, thị trấn hiện nay. Những tên gọi mới này được lựa chọn từ hai hướng.

Một là, những cái tên đã có trong lịch sử, gắn bó với con người và vùng đất nằm trong địa giới đơn vị hành chính cơ sở mới. Đó là những cái tên mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, là một phần ký ức, là kỷ niệm của những thế hệ người dân ở nơi đó. Không chỉ thế, nhiều cái tên còn mang ý nghĩa rất đẹp.

Chẳng hạn, huyện Đông Anh có 3 tên mới đều là tên làng, xã cổ hoặc đã từng được sử dụng là Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc, Vĩnh Thanh.

Huyện Thanh Trì có hai tên mới là Nam Phù, Đại Thanh. Trong khi Nam Phù gắn với tên Tổng Nam Phù ngày xưa và sự kiện 12 sứ quân cuối thế kỷ X của Tướng quân Nguyễn Siêu đánh đuổi quân Nam Hán; thì Đại Thanh cũng là tên gọi đã có từ năm 1965 ở khu vực Tả Thanh Oai, mang nghĩa là vùng đất lớn mạnh, thanh cao; thể hiện được sức mạnh sau sáp nhập.

Huyện Đan Phượng có tên xã mới là Ô Diên được lấy từ tên thành cổ Ô Diên - một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long.

Huyện Sóc Sơn lấy tên Kim Anh, Đa Phúc đặt cho đơn vị hành chính cơ sở mới cũng đều là cái tên thân thuộc với người dân. Huyện Ứng Hòa có tên xã mới là Ứng Thiên, là tên gọi Tổng Ứng Thiên ngày xưa của vùng đất.

Đặc biệt là Hồng Hà - một cái tên mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử đã đi vào thơ ca giúp chúng ta dễ dàng hình dung ra địa giới hành chính của phường nằm trọn khu vực ngoài bãi sông Hồng, hiện thuộc địa bàn quản lý của 5 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Hai là, những cái tên gần như hoàn toàn mới với ý nghĩa sâu sắc gợi nhớ bản sắc văn hóa hoặc thể hiện khát vọng về sự phát triển, giàu có, may mắn, thịnh vượng. Tiêu biểu là tên Đoài Phương (Sơn Tây) đặt cho đơn vị hành chính mới được hình thành từ toàn bộ diện tích và dân số các xã: Kim Sơn, Sơn Đông và phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Đông.

“Đoài” là sự khẳng định dấu ấn đậm nét của một vùng văn hóa xứ Đoài, mà Sơn Tây là trung tâm, hạt nhân. “Đoài” còn có ý nghĩa là hồ, đầm, đây là yếu tố đặc thù của 3 địa phương có hồ Đồng Mô và nhiều ao, hồ. Do đó, tên gọi Đoài Phương có nghĩa sâu sắc như sự nhắc nhở đối với người dân về di sản văn hóa quý báu cùng trách nhiệm giữ gìn và phát triển.

Một ví dụ khác là tên Thuận An, mang ý nghĩa may mắn, thuận lợi được dùng đặt cho đơn vị hành chính cơ sở thuộc huyện Gia Lâm, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Lệ Chi, Dương Quang (Gia Lâm); phần lớn diện tích tự nhiên, dân số các xã Phú Sơn, Đặng Xá, Cổ Bi (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên, dân số xã Dương Xá (Gia Lâm).

Huyện Phúc Thọ đặt tên Phúc Lộc cho đơn vị hành chính cơ sở mới được hình thành từ các xã: Võng Xuyên, Xuân Đình, Sen Phương, Vân Phúc và Nam Hà.

Có thể khẳng định, cách đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội không chỉ đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử mà còn cho thấy sự sáng tạo, ẩn sâu bên trong là khát khao đổi mới, không ngừng phát triển vươn lên.

Dù phương án đặt tên như thế nào quyết định cuối cùng vẫn là người dân. Thực tế, người dân các địa phương đã cho ý kiến và thể hiện sự đánh giá cao phương án đặt tên của thành phố Hà Nội thông qua lá phiếu của mình.

Hầu hết các địa phương đều có tỷ lệ đồng ý rất cao với cách đặt tên đơn vị hành chính cơ sở mới. Đơn cử như quận Ba Đình, 99,4% người dân đồng ý với phương án tên gọi; huyện Đông Anh có 99,17% đồng ý; quận Long Biên có trên 98% đồng ý; huyện Ứng Hòa trên 97% đồng ý...

Người dân Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng(quận Long Biên) ghi phiếu đóng góp ý kiến vào phương án sắp xếp các phường thuộc phạm vi quận. Ảnh: Hiền Lương
Người dân Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng (quận Long Biên) ghi phiếu đóng góp ý kiến vào phương án sắp xếp các phường thuộc phạm vi quận. Ảnh: Hiền Lương

Tuy nhiên, bởi tất cả đều do người dân quyết định nên cũng có trường hợp địa phương phải lựa chọn tên khác để xin ý kiến lại người dân như với dự kiến tên xã Thọ Lão ở huyện Đan Phượng. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân trong việc xây dựng chính quyền địa phương.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô. Cách đặt tên các đơn vị hành chính mới thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa lịch sử và tương lai, giữa ý chí của chính quyền và nguyện vọng của nhân dân.

Mỗi cái tên đơn vị hành chính cơ sở mới không chỉ có ý nghĩa hành chính, mà còn có thể trở thành “mật mã” văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về quá khứ, tạo động lực cho hiện tại và mở ra những kỳ vọng về tương lai. Bởi vì không phải cái tên làm nên vùng đất, mà sâu xa chính những con người ở vùng đất ấy mới làm cho những cái tên thực sự có ý nghĩa. Do đó, mỗi chúng ta, dù tên gọi đơn vị hành chính mới có quen thuộc hay xa lạ, cũng cần hướng về một mục tiêu chung: Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại; xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậm dấu ấn văn hóa và sáng tạo trong tên gọi phường, xã mới ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.