Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện một người Việt trong Ủy ban Olympic Hungary

Minh Quang| 08/04/2012 06:48

(HNM) - Trước ngày 26-2-2012, trong danh sách tháp tùng đoàn nghị sĩ Hungary sang thăm Việt Nam, vào cuối tháng 3 vừa qua, tên của Phạm Ngọc Chu được gắn với chức danh Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Hungary.

Lần đầu tiên từ năm 1895

Những người Việt ở Hungary thường biết đến Phạm Ngọc Chu với danh nghĩa là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Hungary cũng như là ông chủ thành đạt của Công ty Limexport. Lẽ ra người đàn ông gốc Hà Nội này cũng sẽ chẳng dính dáng đến thể thao Hungary nếu người bạn là Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ Hungary không có lời mời. Đấy là vào năm 2009. Lúc đó anh Chu vốn mê bóng đá, tennis, không biết nhiều về cử tạ. Nhưng lời mời của người bạn, rằng: "Vào Liên đoàn Cử tạ Hungary không có nghĩa là phải làm những việc chuyên môn của cử tạ" đã thuyết phục được anh. Quả thực, người bạn kia chỉ định Phạm Ngọc Chu vào vị trí phụ trách tài chính, tài trợ, thi đua của Liên đoàn.

Có lẽ đấy là vị trí phù hợp với Phạm Ngọc Chu. Từ ngày anh Chu làm việc tại đây, kinh phí cho công tác điều hành của Liên đoàn Cử tạ không còn khó khăn như trước, đủ cân đối thu chi. Sự xuất hiện của Phạm Ngọc Chu tại Liên đoàn Cử tạ Hungary còn mang đến một tiền lệ. Khi dẫn đoàn đi thi đấu quốc tế, Phạm Ngọc Chu quyết định tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí ăn ở. Suất của anh được trao cho HLV hoặc VĐV. Từ đó, ở Liên đoàn Cử tạ Hungary xuất hiện tiền lệ: Nếu lãnh đạo của đoàn là doanh nghiệp thì tự bỏ tiền chi phí ăn ở, đi lại. Số tiền dự định dành cho lãnh đạo đoàn được dành cho HLV hoặc VĐV. Việc này vừa thể hiện rõ công tác xã hội hóa, vừa tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm, thi đấu quốc tế cho VĐV hoặc HLV.

Dài dòng chuyện ở Liên đoàn Cử tạ Hungary của Phạm Ngọc Chu cũng để nói đến việc anh được các thành viên Liên đoàn Cử tạ Hungary đề cử vào Ủy ban Olympic Hungary. Đối với anh, đấy là bất ngờ lớn vì Liên đoàn Cử tạ Hungary có nhiều người bản địa thành đạt hoặc từng là VĐV nổi tiếng. Đến nỗi trước ngày họp Hội nghị toàn thể của Ủy ban Olympic Hungary, anh đã không thể ngủ, tự hỏi rằng "Tại sao họ lại đề cử mình vào một tổ chức Olympic vào hàng lâu đời nhất thế giới?". Ở Hungary, Ủy ban Olympic là tổ chức lâu đời thứ 3 và chịu trách nhiệm điều hành nền thể thao. Còn trên bình diện quốc tế, đây là Ủy ban Olympic quốc gia ra đời sớm thứ 6 trên thế giới.

Thắc mắc ấy đã được giải đáp sau khi kết quả bầu cử của Hội nghị toàn thể  Ủy ban Olympic Hungary được công bố. Phạm Ngọc Chu trở thành Ủy viên Ủy ban Olympic Hungary. Với cộng đồng người Việt tại Hungary, đó là một sự kiện. Đơn giản, Phạm Ngọc Chu trở thành người Châu Á đầu tiên trở thành thành viên của "Gia đình Olympic" Hungary. Nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Hungary đến lúc ấy mới biết đến một Phạm Ngọc Chu ở lĩnh vực thể thao thay vì kinh doanh.

Đối với Phạm Ngọc Chu, trở thành thành viên Ủy ban Olympic Hungary không còn là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Anh là số ít người gốc Việt ở cương vị này.

Khát vọng cống hiến cho quê hương

Những ngày bắt đầu làm việc ở Liên đoàn Cử tạ Hungary, Phạm Ngọc Chu đã tính tới việc phải làm gì đó cho quê hương. Đối với người kinh doanh như anh, thúc đẩy kinh doanh trao đổi buôn bán giữa Việt Nam và Hungary là việc phải làm; còn thúc đẩy trao đổi lĩnh vực TDTT giữa hai nước cũng là vấn đề phải được coi trọng.

Gặp nhau ít phút ngắn ngủi ở Hà Nội giữa lịch làm việc kín như bưng của anh, Phạm Ngọc Chu bảo rằng: "Trước đây, khi làm việc ở Liên đoàn Cử tạ Hungary, mình khó có thể làm cầu nối cho cả hai nền thể thao. Giờ đây, ước mơ ấy có thể thành hiện thực".

Việc đầu tiên Phạm Ngọc Chu muốn làm là "thiết kế" một chuyến viếng thăm của lãnh đạo Ủy ban Olympic Hungary với lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục TDTT. Sau cuộc gặp ấy, cánh cửa hợp tác giữa nền TDTT hai nước sẽ được mở rộng, tạo cơ hội tập huấn, thi đấu quốc tế, truyền đạt kinh nghiệm, giao lưu học hỏi giữa HLV, VĐV, các nhà quản lý hai nước. Phạm Ngọc Chu khẳng định rằng sẵn sàng làm cầu nối để các đội tuyển, bộ môn thể thao Việt Nam tới Hungary tập huấn, thi đấu. "Trong khả năng của mình, giúp được gì cho thể thao Việt Nam thì tôi sẽ gắng hết sức. Với một người gốc Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài như tôi, được giúp đỡ quê hương cũng là một vinh dự lớn".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một người Việt trong Ủy ban Olympic Hungary

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.