(HNMO) - Thu hút khách từ những việc làm nhỏ nhất, hướng đến bảo vệ môi trường là điều dễ thấy ở nhiều điểm đến tại Quảng Nam, địa phương sắp hoàn thành vai trò đăng cai Năm Du lịch quốc gia năm 2022.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Từ cuối năm 2021, Quảng Nam đã công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh, được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), đánh dầu bước chuyển mới trong cách làm du lịch. Bộ tiêu chí áp dụng cho các loại hình: Khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, lữ hành và điểm tham quan. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh: “Nhìn chung Quảng Nam đã trải qua giai đoạn đáp ứng gần như vô điều kiện các nhu cầu tour tuyến, lưu trú và các dịch vụ khác của du khách. Giờ đây, du lịch Quảng Nam phát triển du lịch theo cách của mình, với định hướng cụ thể cùng sự chủ động. Trong đó, du lịch xanh là xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu du lịch địa phương, nhằm phục hồi nhanh và bền vững sau khi trải qua một thời gian gia đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Câu chuyện về du lịch xanh tại Quảng Nam có thể bắt gặp ở nhiều điểm đến. Như câu chuyện tại khu nghỉ dưỡng La Siesta Hội An Resort & Spa chẳng hạn. Ở đây, dấu ấn của du lịch xanh không chỉ là màu xanh mướt của những khu vườn, trong mỗi khoảng không gian ngoài trời mà bắt đầu ở mỗi phòng nghỉ. Ở đó, bộ phận quản lý đã bố trí 6 chiếc túi vải thân thiện môi trường thay vì túi nilon để du khách đựng dép, đựng rác và đựng đồ giặt là.
Ông Vương Đình Mạnh, Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa kể rằng, với quy mô 107 phòng nghỉ, trong trường hợp công suất phòng trung bình năm đạt 90%, nếu sử dụng túi ni lông thì khu nghỉ dưỡng phải sử dụng khoảng hơn 200 nghìn chiếc túi mỗi năm, thải ra môi trường 3,5 tấn rác ni lông và chi phí vào khoảng hơn 120 triệu đồng.
Ngoài 6 chiếc túi vải thân thiện môi trường, tại mỗi phòng còn có miếng lót ly, vỏ bọc bộ bàn chải, lược, bông tai, sọt rác, lọ dầu gội, lọ sữa tắm, chai nước… bằng giấy, giấy tái chế hay đồ sứ, thủy tinh có khả năng sử dụng nhiều lần. Ngay việc cắt tỉa, thu dọn lá cây cũng được thực hiện tại chỗ bằng việc ủ lại để bón cho cây thay vì thuê đơn vị vận chuyển đến điểm tập kết rác. Như vậy cũng bảo đảm một công đôi việc, vừa tiết giảm chi phí vừa thuận tiện chăm sóc hệ thống cây tại khu nghỉ dưỡng. “Tất nhiên, để có thể thực hiện việc này thì chi phí ban đầu không nhỏ”, ông Vương Đình Mạnh cho biết thêm. Cũng phải kể thêm, ở đây, những người quản lý đều chủ động giới thiệu đến khách về các giải pháp bảo vệ môi trường của khu nghỉ dưỡng, nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến khách hàng.
Trong khi đó, ở nhiều homestay gần khu phố cổ Hội An, dù không thể đặt các vật dụng bằng giấy hay giấy tái chế thì chủ nhà cũng sử dụng các chai nước thủy tinh, túi vải trong phòng.
Cần thêm nguồn lực hỗ trợ
Theo Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Quảng Nam, một số mô hình, sản phẩm du lịch xanh – kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam cũng bước đầu hoạt động hiệu quả như mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa và cộng đồng làng chài Tân Thành (Hội An); tour du lịch xanh của Eco Tour, khu nghỉ dưỡng xanh như La Siesta Hội An Resort & Spa …
Dù vậy, phía quản lý nhà nước ngành Du lịch của tỉnh vẫn mong có nhiều hơn doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam tham gia áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Việc hơn 10% doanh nghiệp trong tổng số hơn 700 doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam dù là tín hiệu tích cực song vẫn cần nối dài danh sách. Đáng lưu ý, đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu có ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận Nhãn du lịch xanh, hướng tới chuẩn bị hành lang pháp lý đệ trình chứng nhận Hội An là điểm đến du lịch xanh.
Trong một hội thảo gần đây về phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam, đơn vị quản lý nhà nước ngành Du lịch của tỉnh nhìn nhận hiện nay chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng xanh, bền vững (ưu đãi các loại thuế, nguồn vốn vay…) vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hoặc chi phí chuyển đổi cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch xanh cũng là một thách thức cần giải quyết.
Ông Vương Đình Mạnh, Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa đề xuất, cần có chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Như thế, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp du lịch cùng tham gia phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, cộng đồng du lịch cần đồng lòng hơn nữa để thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi, hướng tới xây dựng nền du lịch xanh, đem lại giá trị bền vững và lâu dài.
Trong chia sẻ gần đây, ông Kai Partale, chuyên gia về tiếp thị du lịch của SSTP (Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ) tại Việt Nam cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề về điều chỉnh Chiến lược tiếp thị du lịch Quảng Nam để bắt kịp xu thế thời đại ngày nay và đáp ứng với hành vi du lịch thay đổi của các thị trường nguồn quốc tế. Trong số này có việc chú trọng phát triển du lịch xanh, coi đó là thương hiệu thu hút du khách.
Thực sự, không dễ để phát triển du lịch xanh. Và nếu phát triển rồi thì gìn giữ được cách làm ấy lại càng khó. Do vậy, cần thêm những hỗ trợ từ cơ chế để để hướng đến du lịch xanh bền vững nơi đây. Và thực tế, đó cũng là điều cần lưu ý ở các địa phương khác đang coi du lịch xanh là hướng đi không thể đảo ngược, trong đó có Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.