(HNM) - Thời gian qua, khi đến làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân bị ép đóng góp tiền triệu cho địa phương. Dù được kêu gọi tự nguyện ủng hộ các quỹ khuyến học, xây dựng nông thôn mới... song trên thực tế,
Tháng 4-2013, khi tới UBND xã An Khánh để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), anh Nguyễn Hữu Mạnh (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh) mới... "té ngửa" khi được cán bộ địa chính ở đây cho biết: Để có được chữ ký của cán bộ địa chính và lãnh đạo xã, anh phải... "tự nguyện" đóng góp 5 triệu đồng vào Quỹ Khuyến học của địa phương. Dù khoản đóng góp này không có trong quy định, cũng như không liên quan gì đến hồ sơ chuyển nhượng đất, song cán bộ địa chính xã khẳng định: Đây là quy định chung của xã, áp dụng cho tất cả các trường hợp chuyển nhượng QSDĐ, kể cả người dân địa phương. Việc thu tiền cũng như viết trong phiếu thu đều ghi dưới danh nghĩa "tự nguyện", song trên thực tế thì là... bắt buộc, vì nếu không nộp tiền sẽ không được xã xác nhận để hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí có người chấp nhận nộp tiền, nhưng yêu cầu ghi trong phiếu thu là "bắt buộc" cũng không được chấp nhận. Mức đóng góp không cố định mà... "tùy tâm", song cũng có tỷ lệ nhất định, diện tích đất chuyển nhượng nhiều thì góp nhiều, ít thì góp ít; trung bình khoảng 5-7 triệu đồng.
Phiếu thu tiền ghi “tự nguyện” nhưng thực chất là bắt buộc. |
Nếu như xã An Khánh đưa quy định thu tiền chuyển nhượng QSDĐ theo kiểu "Luật bất thành văn", thì tại xã An Thượng, việc thu tiền đóng góp lại được thống nhất tại hội nghị giao ban tháng của UBND xã (ngày 2-8-2011) với mục đích xây dựng hạ tầng địa phương. Mức đóng góp cũng được quy định tối đa là 5 triệu đồng/trường hợp và chỉ áp dụng đối với công dân ngoài địa phương nhận chuyển nhượng QSDĐ tại xã. Trong khi đó, tại xã Vân Canh, việc thu tiền đóng góp thậm chí còn được đưa vào trong nghị quyết (Nghị quyết số 24 của HĐND xã Vân Canh khóa XVII, kỳ họp ngày 31-12-2010). Theo đó, phê chuẩn mức đóng góp xây dựng địa phương đối với các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại xã nhận chuyển QSDĐ với mức thu 5 triệu đồng/trường hợp.
Cán bộ "đẻ" thêm quy định
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết một trong những nguyên nhân khiến các xã ép dân nộp các khoản đóng góp tự nguyện bất hợp lý trên là do cán bộ cấp huyện "đẻ" thêm một số loại giấy tờ có xác nhận của cấp xã.
Theo quy định được niêm yết công khai tại Bộ phận một cửa tại UBND huyện Hoài Đức, khi chuyển nhượng QSDĐ, người làm thủ tục chuyển nhượng cần phải nộp các loại giấy tờ sau: Đơn đăng ký biến động, giấy chứng nhận QSDĐ, hợp đồng chuyển nhượng, chứng minh thư và hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng; tờ khai nộp lệ phí trước bạ; tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân; giấy ủy quyền. Tuy nhiên, trở lại trường hợp của anh Nguyễn Hữu Mạnh khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN-MT huyện Hoài Đức đã yêu cầu anh phải bổ sung thêm 3 loại giấy tờ nữa gồm: Biên bản bớt ngõ đi chung do xã xác nhận; đơn xin cấp giấy chứng nhận, trích lục có xác nhận của xã và hộ khẩu, chứng minh thư của bên chuyển nhượng. Theo tìm hiểu, không riêng trường hợp anh Mạnh, còn có nhiều trường hợp khác khi đến UBND huyện Hoài Đức nộp hồ sơ cũng bị yêu cầu bổ sung thêm một số giấy tờ ngoài quy định trên. Các loại giấy tờ bổ sung này là quy định bất thành văn được Phòng TN-MT huyện Hoài Đức đưa ra, áp dụng với tất cả các hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ bị thất lạc, đính chính chi tiết trên giấy chứng nhận QSDĐ... Chính điều này đã buộc người dân phải tới UBND cấp xã để xin xác nhận, chữ ký và con dấu của cán bộ địa chính, lãnh đạo UBND cấp xã. Đây cũng là lý do dẫn tới việc một số xã ra các đòi hỏi về các khoản đóng góp bắt buộc theo kiểu... "tự nguyện" với lý do ủng hộ quỹ khuyến học, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.
Trước khiếu nại của người dân, UBND huyện Hoài Đức đã lập đoàn thanh tra và mới đây đã đưa ra Kết luận số 152/KL-UBND. Theo đó, đã chỉ rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân trong việc đưa ra quy định về các khoản đóng góp tại các xã: An Khánh, An Thượng, Vân Canh. Cụ thể, từ năm 2011 đến tháng 5-2013, xã An Khánh thu được 559.500.000 đồng tiền đóng góp... "tự nguyện" từ các trường hợp chuyển nhượng QSDĐ. Tại xã An Thượng (từ ngày 1-11-2011 đến 24-5-2013) thu 86.500.000 đồng và xã Vân Canh (từ ngày 1-11-2011 đến ngày 24-5-2013) thu được tổng số tiền đóng góp là 425.000.000 đồng từ việc xác nhận vào trích lục bản đồ thửa đất, đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ của các trường hợp nhận chuyển QSDĐ trên địa bàn.
Liên quan đến việc "đẻ" thêm quy định của cán bộ huyện, ông Nguyễn Đăng Sơn - Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức thừa nhận: Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Phòng TN-MT; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng HĐND&UBND huyện Hoài Đức không có văn bản quy định thêm thủ tục, thành phần hồ sơ của công dân trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, các trường hợp nhận chuyển nhượng QSDĐ. Tuy nhiên, một số trường hợp, cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ có yêu cầu công dân bổ sung thêm một số văn bản, giấy tờ ngoài thủ tục quy định như: Trích đo thửa đất và đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ có xác nhận của UBND xã, địa chính xã; CMND, sổ hộ khẩu của người chuyển nhượng. Như vậy, cán bộ tiếp nhận các thủ tục về TN-MT của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng HĐND&UBND huyện đã thực hiện không đúng quy định, đồng ý để cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ yêu cầu công dân bổ sung một số loại thủ tục không nằm trong quy định, dẫn tới khiếu nại của công dân. Trong khi đó, theo Quyết định 4045/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội công bố về thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, đây lẽ ra là công việc mà cán bộ Phòng TN-MT phải tự xác minh nhưng cán bộ huyện lại đẩy... nhiệm vụ này về phía người dân. Hiện nay, UBND huyện Hoài Đức đang làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và chắc chắn sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Người dân mong mỏi Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức nhanh chóng chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm, không để tiếp tục xảy ra các trường hợp quan xã "làm luật" người mua bán đất khi đi làm thủ tục hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.