Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không hề nhỏ

Anh Minh| 25/10/2014 07:38

(HNM) - Trong quy định của Nhà nước và ý thức xã hội, con dấu của một doanh nghiệp (DN), dù là đơn vị to hay nhỏ, thuộc thành phần kinh tế nào cũng là hình ảnh, sự minh chứng đại diện cho một đơn vị được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến khác về vấn đề này, thậm chí đề xuất bãi bỏ con dấu và


Theo các chuyên gia, DN bắt đầu sử dụng con dấu từ vài thế kỷ trước, khi nền thương mại thế giới phát triển nhanh và đòi hỏi phải có nó để bảo đảm cho sự tồn tại của một DN, có đủ giá trị để giao dịch với đối tác. Điều này càng không thể thiếu để đóng dấu lên các văn bản xác nhận hợp đồng, mua bán hoặc thế chấp tài sản… giữa các DN với nhau cũng như khi có vấn đề nảy sinh cần đưa ra pháp luật. Từ đó, xã hội mặc nhiên công nhận con dấu và không thể tin giá trị một văn bản nào nếu không thấy con dấu được đóng ở phía dưới. Nói như vậy để thấy con dấu ra đời, hiện diện trong đời sống kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng như một nhu cầu tất yếu trong hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay việc bắt buộc phải sử dụng con dấu đã, đang bộc lộ không ít bất cập, không còn đáp ứng hết những tiêu chí, yêu cầu thực tiễn. Ông Jean Michel Lobert, chuyên gia tư vấn Ngân hàng Thế giới cho biết, con dấu của công ty, DN không còn phục vụ mục đích ban đầu như đề cập ở trên. Đơn cử, đã xảy ra nhiều trường hợp làm giả con dấu để làm phương tiện cho các hành vi phạm tội, chủ yếu là nhằm mục đích kinh tế, như tham nhũng, lừa đảo hoặc "xù nợ"… Không ít DN đã phải chịu thiệt hại vì chính con dấu thật của mình. Những vụ án kinh tế diễn ra với tần suất ngày càng mau, gần như liên tục ở Việt Nam cũng cho thấy vấn nạn này. Cá biệt, đã xảy ra tình huống các cá nhân trong ban lãnh đạo công ty mâu thuẫn và tranh giành con dấu, dẫn đến thiệt hại cho đơn vị cũng như đẩy tập thể vào chỗ nhiễu loạn, mất kiểm soát. Hơn nữa, theo khảo sát của một số cơ quan chức năng, khi làm thủ tục đăng ký thành lập DN thì chủ DN phải lập tức thực hiện việc khắc và đăng ký con dấu với nhà quản lý. Thông thường, việc này mất 6 ngày, với chi phí khoảng 165.000-370.000 đồng, chưa kể đây là một cơ hội để có thể phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu từ những bộ phận, cá nhân làm việc trong bộ máy quản lý liên quan.

Thực tế cũng cho thấy, đó là nguyên nhân vì sao đang có nhiều ý kiến, chủ yếu là cơ quan quản lý và DN mong muốn cần có sự thay đổi, tiến tới bãi bỏ con dấu DN.

Theo kết quả điều tra mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế TƯ, có 52% DN ủng hộ việc bãi bỏ quy định DN phải có con dấu như một "bảo bối" như từ trước đến nay. Cũng có 30% DN cho rằng, có thể tiếp tục quy định DN sử dụng con dấu trong thời gian "quá độ" nhất định, nhưng ít nhất cũng nên nới lỏng bằng cách cho DN tự khắc dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật để tăng cường sự chủ động. Xa hơn, khi bãi bỏ quy định này sẽ tạo điều kiện "giảm tải' về thời gian và tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho mỗi chủ DN khi gia nhập thị trường. Một số chuyên gia khuyến nghị, vấn đề có thể giải quyết thật sự thông qua việc bắt buộc chủ DN đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan nhà nước như phần lớn các quốc gia đang áp dụng. Làm được như vậy cũng là một sự thay đổi lớn, thể hiện sự phù hợp với thông lệ quốc tế, là tín hiệu tích cực trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan quản lý đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiên cứu khả năng nhằm đưa ra đề xuất cụ thể; theo hướng tiến tới từng bước thay con dấu bằng chữ ký điện tử, chữ ký số. Đây sẽ là việc làm thiết thực để tăng thuận lợi cho DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, có tác dụng hấp dẫn đầu tư của nước ta.

Việt Nam hiện là 1 trong 7 quốc gia cuối cùng còn sử dụng con dấu của DN trong khi có 171 quốc gia khác không áp dụng quy định này. Như vậy, phần lớn các nền kinh tế đều đang cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số thay con dấu. Đó là sự "cởi trói" cho DN đồng thời là một biện pháp tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Vì thế, Việt Nam cũng không thể là một ngoại lệ, nhằm nâng cấp hiệu quả quản lý cho cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, chuyện con dấu tuy nhỏ về kích thước nhưng có ý nghĩa to lớn về mặt cải cách một khi được bãi bỏ như đề cập ở trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không hề nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.