Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện hôm nay và chuyện ngày mai

Thùy An| 26/12/2010 07:33

(HNM) - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phạm Đức Thành, trở về từ Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2010, mới kết thúc ở Philippines đã thốt lên:


Ông kể, những nền bóng bàn vang bóng của Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều không đưa ra được gương mặt nào khả dĩ có thể thay thế lớp đàn anh. Bóng bàn nam Thái Lan vắng cả hai anh em Phuchong và Pharkphom (chuyển sang kinh doanh) đã không còn cạnh tranh ngang ngửa trước các tay vợt Việt Nam trong khi lực lượng nữ vắng Anisara cũng suy giảm sức mạnh rõ rệt. Tay vợt nữ Thái Lan đáng kể tại giải này là Nathana cũng chậm chạp trước các đối thủ trẻ. Indonesia cũng không trình làng được tay vợt sáng giá nào, khiến người ta càng thêm nhớ những tay vợt lừng danh của bóng bàn nước này hơn chục năm trước trong đó có Susano. Trong khi Malaysia giờ chỉ trông vào Beh Lee Wei vừa lớn tuổi, vừa nặng nề. Trong các đoàn dự giải Đông Nam Á kỳ này, chỉ Singapore cử các tay vợt trẻ và tất nhiên không thể bách chiến bách thắng như lớp trước.
2. Trước ngày dự giải Đông Nam Á, bóng bàn Việt Nam vẫn hồi hộp với chỉ tiêu đoạt 3 HCV như kỳ giải trước. Vấn đề là Singapore có cử đội hình mạnh nhất dự giải hay không. Nếu có thì đoạt được 1 HCV cũng là thành công mỹ mãn. Cuối cùng, những Gao Ning (nam), Li Jia Wei (nữ) không dự giải và cơ hội của các tay vợt Việt Nam trở nên sáng sủa. Đoàn Kiến Quốc, trở thành điểm sáng khi giành 3 HCV (đơn nam, đôi nam, đồng đội nam). Phía nữ, Mai Hoàng Mỹ Trang đã biết đến vinh quang ở giải đấu này khi giành 2 HCV (đơn nữ, đồng đội nữ). Việt Nam đoạt tới 5 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại giải này là thành công ngoài mong đợi.
3. Quá trình trẻ hóa của bóng bàn nữ Việt Nam là đương nhiên vì lớp đàn chị như Ngô Thu Thủy, Nguyễn Mai Thy đến tuổi phải nghỉ thi đấu. Trong khi đó bóng bàn nam ngoài đội 1 vẫn còn khả năng thi đấu đỉnh cao 2-3 năm nữa thì đã xuất hiện hàng loạt tay vợt trẻ đầy triển vọng. Vấn đề là phải đầu tư thế nào để các tay vợt này có kinh nghiệm thi đấu quốc tế cũng như bản lĩnh để kế thừa được lớp đàn anh hiện tại như Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, Phan Huy Hoàng. Khi được hỏi: "Liệu những tay vợt trẻ Việt Nam có cơ hội dự những giải đấu vừa tầm như giải Đông Nam Á vừa qua không, hay lại phải đợi đến khi những tay vợt hàng đầu nghỉ thi đấu thì họ mới có cơ hội?" - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phạm Đức Thành trả lời: "Kể ra nếu các tay vợt trẻ tham dự thì họ cũng có cơ hội đoạt huy chương nhưng không chắc bằng lớp đàn anh". Như vậy có thể hiểu, cơ hội thi đấu quốc tế trong năm không nhiều trong khi bóng bàn Việt Nam cũng cần thành tích nên cơ hội để các tay vợt trẻ dự giải quốc tế hầu như không có. Cũng vì vậy mà lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã tính tới giải pháp đưa các tay vợt trẻ xuất sắc đi tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc. Tất nhiên, như người trong cuộc công nhận, kinh phí lại là câu hỏi đầu tiên với đầy ẩn số. Nhưng nếu đã coi đó là cách bảo đảm cho tương lai bóng bàn nam Việt Nam thì khó mấy cũng phải thực hiện. Bằng không, "ngày mai" của bóng bàn Việt Nam sẽ đầy ảm đạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hôm nay và chuyện ngày mai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.