Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện hậu EVNTelecom

Hải Vân| 04/11/2011 06:37

(HNM) - Chuyện đầu tư công nghệ lạc hậu, làm ăn thua lỗ quá lớn của EVN đã quá rõ, kéo theo đó là những hệ lụy mà cuối cùng Nhà nước và người dân phải gánh chịu đã khiến cho thị trường viễn thông


Kinh doanh viễn thông nói theo nghĩa đen là một ngành kinh doanh "đẻ" ra lợi nhuận rất lớn, rất nhiều, rất nhanh.

Thế nhưng vì sao EVN kinh doanh một ngành được coi là lãi nhiều như vậy lại lỗ lớn, đến mức phải lấy lãi của kinh doanh điện bù lỗ cho viễn thông và gần đây lại rộ lên chuyện EVN xin tăng giá bán điện để bù lỗ cho viễn thông?

Việc xử lý "hậu" EVNTelecom bằng cách tái cơ cấu, khoanh nợ, sáp nhập vào các đơn vị Telecom khác "khỏe" hơn là một cách, nhưng chưa rõ món nợ hơn 7.000 tỷ đồng của EVN khi nào mới trả hết cho ngân sách nhà nước. Trước tình hình trên, ngày 18-10-2011, Hà NộiTelecom đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ hạ tầng mạng của EVNTelecom.

Lý do mà nhà mạng này đưa ra là: "Công ty cổ phần Viễn thông Hà NộiTelecom đã cùng EVNTelecom liên doanh trong cuộc thi 3G do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức. Liên doanh này đã thắng thầu, đồng sở hữu băng tần 3G, cam kết đầu tư, ứng dụng công nghệ trên nền 3G phục vụ cộng đồng". Giấy phép đã được trao cho liên doanh HanoiTelecom và EVNTelecom. Do đó HanoiTelecom được ưu tiên mua lại phần băng tần 3G của EVNTelecom mà Luật Tần số đã cho phép.

Hiện nay, băng tần 3G mà EVNTelecom có thì một vài nhà mạng muốn mua như: VTC, FPT và gần đây là Viettel. Nói là mua và bán thì phải thanh toán nhưng e rằng với món nợ 7.000 tỷ đồng của EVN khiến cho các nhà mạng dù khỏe đến đâu cũng phải sợ... Kinh doanh đến khi nào mới hoàn được số tiền đã bỏ ra mua? Hơn nữa, nếu Viettel mua được EVNTelecom thì nhà mạng này bỗng trở thành một mạng khổng lồ, có khả năng chi phối toàn bộ thị trường viễn thông Việt Nam (khi đó sẽ có hơn 50 triệu thuê bao nằm trong sóng của Viettel).

Nếu điều đó xảy ra, vô hình trung các nhà mạng nhỏ khác sẽ bị lép vế và rất có thể phải phá sản… Mục 3 chương 2, điều 18 Luật Cạnh tranh cấm việc sáp nhập doanh nghiệp mà sau khi sáp nhập, doanh nghiệp mới chiếm trên 50% thị phần/thị trường.

Việc "phá sản" EVNTelecom đã và đang để lại những hệ lụy không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Trách nhiệm về những hệ lụy ấy lãnh đạo EVN không thể chối bỏ. Chính phủ vừa giải quyết chưa xong vụ việc ở Vinashin thì nay lại phải xử lý món nợ hơn 7.000 tỷ đồng do kinh doanh yếu kém của EVN. Và còn hệ lụy khác nữa là cả ngàn kỹ sư công nghệ thông tin, những người đã tham gia xây dựng ngôi nhà EVNTelecom rồi không biết sẽ đi đâu, về đâu khi mà nhà mạng này sắp được sang tên cho người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hậu EVNTelecom

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.