(HNMO) - Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28-7, một chuyên gia đã đưa ra những nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tháng 7 năm nay, sau chuỗi tăng điểm kéo dài, thị trường chứng khoán đang chịu những tác động nhất định của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam với mức giảm khoảng 13%, có thời điểm xuống dưới mức 1.280 điểm.
Tính từ đầu tháng có sự suy giảm nhất định về điểm số cũng như khối lượng giao dịch so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, phân tích trong nước và quốc tế đều cho thấy, những biến động trong tháng 7-2021 của thị trường chỉ là ngắn hạn, về dài hạn, thị trường chứng khoán đang mang trong mình nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng mạnh từ tháng 3-2020 (đáy của chỉ số) lên đến hơn 1.400 điểm (tháng 6-2021) nên thị trường điều chỉnh là dễ hiểu. Việc xử lý được hệ thống bị nghẽn, giao dịch trở lại thông suốt sẽ là yếu tố tích cực giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn nửa cuối năm.
Còn ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhìn nhận, nếu trong tháng 8-2021, Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh tại các thành phố lớn, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại thị trường. Chuyên gia này cũng dự báo, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ, logistics…vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong quý III-2021. Do vậy, sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.
Ông Lã Giang Trung, Tổng Giám đốc Passion Investment (hoạt động trong lĩnh vực đầu tư) đưa quan điểm, trong quá trình tăng trưởng của thị trường chứng khoán, các nhịp điều chỉnh xảy ra là không thể tránh khỏi. Thống kê cho thấy, nhịp điều chỉnh bình quân của thị trường là 17%/nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng. Tại Việt Nam, từ tháng 3-2020 đến nay có 4 nhịp điều chỉnh, gồm tháng 6-7 năm 2020, tháng 1-2021 và tháng 7-2021. Sau nhịp điều chỉnh, thị trường có thể tăng 30-40%.
Trong tháng 7-2021, nhịp điều chỉnh của thị trường là 13%, cơ bản đã tạo đáy. “Với việc kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và kỳ vọng sớm khống chế được dịch Covid-19, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.600-1.700 điểm vào cuối năm nay nếu dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 8-9 tới”, ông Lã Giang Trung dự báo.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho rằng, với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng ngừa dịch bệnh, các chính sách đồng bộ của Chính phủ cũng như chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, hy vọng đến cuối năm 2021 có thể kiểm soát được dịch bệnh, qua đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiên định hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường, bảo đảm thị trường được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch. Cơ quan quản lý này cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.