Việc Chính phủ Việt Nam cam kết cải cách kinh tế trên diện rộng là tín hiệu báo trước triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam và kỳ vọng gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Đây là nhận định của ông Khoon Goh, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại Công ty Dịch vụ tài chính và Ngân hàng đa quốc gia ANZ (Australia) đưa ra ngày 12-8.
Trong bài viết đăng trên trang bluenotes.anz.com, ông Khoon Goh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng vững chắc, dù kinh tế bị tác động của thương mại toàn cầu suy thoái và ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Do đó, ANZ duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 6,7%.
Con số này thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, song vẫn giúp Việt Nam củng cố vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Theo nghiên cứu của ANZ, lạm phát của Việt Nam dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát với mức trung bình 2,8% trong năm 2019, thấp hơn mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia ANZ nhận định, Việt Nam tiếp tục gặt hái lợi ích từ những chính sách cải cách trước đây, cũng như từ cam kết tiếp tục cải cách. Việt Nam cũng đang trong lộ trình tăng gấp đôi tổng thu nhập bình quân đầu người (GNP) từ mức 2.400 USD năm 2018 lên 4.800 USD vào năm 2028, chạm mốc quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Ông Khoon Goh cho rằng, Việt Nam cần quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đảm bảo phân bổ đủ nguồn lực, đồng thời ngăn chặn hiện tượng “quá nóng”. Để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam cần chuyển hướng tập trung vào thu hút vốn FDI “thế hệ mới”.
Trong quý II năm nay, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao là 6,83% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ tăng trưởng tiền lương cao và hiện tượng đô thị hóa ngày càng tăng giúp thúc đẩy thương mại bán buôn và bán lẻ. Lĩnh vực vận tải và kho bãi tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động sản xuất và ngoại thương gia tăng, trong khi lĩnh vực dịch vụ tài chính tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng của tổng thể nền kinh tế.
Ông Khoon Goh nhận định, cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách diện rộng là tín hiệu tốt cho triển vọng dài hạn của đất nước. Nhân khẩu học là lĩnh vực các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm. Dân số vẫn đang trong độ tuổi lao động, nhưng đã qua giai đoạn “đỉnh” là năm 2015. Số người trên 60 tuổi sẽ tăng nhanh, dẫn đến tỷ lệ phụ thuộc tăng gấp đôi trong vòng 20 năm. Đây là lý do chính khiến ANZ dự đoán tốc độ tăng trưởng trung hạn của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 6% trong thập kỷ tới.
Để quản lý tình trạng thay đổi cấu trúc này, chuyên gia trên cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp kịp thời trong các lĩnh vực như tuổi nghỉ hưu và cải cách lương hưu. Nếu thành công, những cải cách như vậy có thể đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.